Chuyên gia: Chờ nhịp điều chỉnh để tích lũy cổ phiếu, VN-Index tiếp xu hướng tăng trong nửa cuối năm 2023
Động thái của Fed không tác động quá nhiều đến TTCK
“Với quan điểm xuyên suốt từ đầu năm, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể đạt 1.280 điểm vào cuối năm 2023”, CEO FIDT cho biết.
Đúng như dự báo của giới đầu tư, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra quyết định tạm dừng tăng lãi suất sau 10 lần nâng liên tiếp, để có thời gian đánh giá về tác động của chiến dịch thắt chặt chính sách trong hơn 1 năm qua. Tuy nhiên, thông tin này không tác động nhiều đến thị trường chứng khoán. Sau quãng giằng co, VN-Index kết phiên 15/6 trong sắc đỏ với mức giảm nhẹ để lùi về mốc 1.116 điểm
Bình luận về động thái của Fed lần này, ông Huỳnh Minh Tuấn – CEO FIDT cho biết, quan điểm của Fed là dự phóng lạm phát lõi dai dẳng hơn và thất nghiệp tiếp tục thấp. Mặt khác, triển vọng kinh tế dự báo tươi sáng hơn lần dự báo trước vào tháng 3, kinh tế vẫn tăng trưởng dưới mức dài hạn 1,8% nhưng nguy cơ suy thoái không lớn.
Do đó, lãi suất cần cao hơn để chống lạm phát, dự phóng trung bình cao hơn 0,5% so với dự phóng hồi tháng 3, tương đương 2 lần tăng 0,25%. Dù vậy, ông Tuấn cho rằng động thái của Fed trong lần này “bồ câu” hơn các lần trước và việc kiên quyết “diều hâu” đã không còn thể hiện rõ. Tuy nhiên, chính sách sẽ linh hoạt theo dữ liệu sắp tới.
“Đối với thị trường Việt Nam, tôi cho rằng động thái trên tương đối trung tính và cần quan sát thêm các dữ liệu và động thái trong các cuộc họp tới. Thị trường chứng khoán trong ngắn hạn vẫn phán ánh các câu chuyện trong nước nhiều hơn là các yếu tố chính sách từ Fed”, CEO FIDT nhấn mạnh.
Dòng tiền khối nội dẫn dắt “cuộc chơi” trên thị trường
Đánh giá xu hướng thị trường trong thời điểm hiện tại, chuyên gia cho rằng thị trường sẽ tiếp tục đi lên nhờ kỳ vọng chính sách xoay chiều hỗ trợ nền kinh tế. Theo ông Tuấn, dòng tiền khối nội sẽ dẫn dắt cuộc chơi trên thị trường chứng khoán trong giai đoạn này.
Thứ nhất, dòng tiền chuyển dịch từ tiền gửi tiết kiệm sang chứng khoán khi lãi suất hạ nhiệt. Theo đó, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 6 tháng trở xuống đã giảm về mức dưới 7%, trong khi tỷ suất sinh lời của chứng khoán trên 7%.
Thứ hai, lượng margin bổ sung vào thị trường. Thị trường “ấm” trở lại, hoạt động cho vay margin trở nên sôi động hơn. Bên cạnh đó, lượng tiền khả dụng của các công ty chứng khoán dư hàng trăm nghìn tỷ để phục vụ cho nhu cầu vay margin cũng là lực cầu tốt cho thị trường.
Thứ ba, dòng tiền thông minh của một số nhà đầu tư lớn khi “tranh thủ” mua vào để trở thành cổ đông lớn, thâu tóm sát nhập,…
VN-Index có thể đạt 1.280 điểm vào cuối năm 2023
Dù nhận định tích cực về dòng tiền trên thị trường, song vị chuyên gia cũng lưu ý định giá của VN-Index không còn quá hấp dẫn khi P/E đã cán mốc 13 lần. Với dự báo tăng trưởng lợi nhuận quý 2 sẽ tiếp tục suy giảm mạnh, ông Tuấn cho rằng P/E của thị trường có thể lên đến 14 lần – mức định giá không hề rẻ nếu so với quá khứ.
Tuy vậy, chỉ số P/E mang tính chất tham khảo nhiều hơn, vì EPS là chỉ số biến thiên. Lợi nhuận toàn thị trường có thể tạo đáy tại quý 2 và bắt đầu cải thiện từ quý 3 khi chính sách có sự thẩm thấu vào kết qủa kinh doanh của doanh nghiệp. Đà phục hồi của EPS trong quý 3 có thể khiến định giá bớt đắt đỏ hơn.
“Với quan điểm xuyên suốt từ đầu năm, chúng tôi cho rằng VN-Index có thể đạt 1.280 điểm vào cuối năm 2023”, vị CEO cho biết.
Về chiến lược, chuyên gia FIDT cho rằng thị trường chưa đến mức rơi vào vùng quá mua, nhưng cũng không phải thời điểm thích hợp để “mua gì trúng nấy”. Dòng tiền đã luân chuyển gần hết xong tất cả các nhóm ngành và thời gian tới có thể sẽ phân hóa từng cổ phiếu có câu chuyện riêng lẻ.
Do đó, chuyên gia cho rằng đầu tư nên chờ nhịp điều chỉnh lớn trong khoảng 6 tháng tới để tích luỹ cổ phiếu. Những nhóm ngành thẩm thấu và hấp thụ được chính sách xoay chiều thì sẽ là cơ hội đầu tư hấp dẫn trong quý 3. Ngoài ra, nhà đầu tư cần cẩn trọng với nhóm penny vì khi dòng tiền rời khỏi nhóm này khó quay trở lại, đặc biệt trong bối cảnh kết quả kinh doanh quý 2 của nhiều doanh nghiệp dự báo không mấy tươi sáng