Ôm mộng giàu nhanh, tham gia “room VIP” để chọn cổ phiếu hứa hẹn lợi nhuận tới 125%/năm, nhiều nhà đầu tư mất trắng tiền tiết kiệm cả đời
Những quảng cáo lừa đảo, dụ dỗ nhà đầu tư tham gia nhóm chat mạo danh người có tiếng, đang “mọc nhanh như nấm sau mưa”.
Những kẻ giả mạo đang đóng giả các tỷ phú quỹ phòng hộ trên Facebook, dụ dỗ các nhà đầu tư lọt bẫy lừa đảo trên thị trường chứng khoán Mỹ. Chính tỷ phú Bill Ackman cũng phải bất lực trong việc ngăn chặn những ông Bill Ackman giả mạo này.
Quỹ Pershing Square Capital Management của Ackman đã phát hiện hơn 90 quảng cáo mạo danh ông. Những quảng cáo này “mọc như nấm sau mưa”, bài trước bị gỡ thì bài sau đã xuất hiện. Một số quảng cáo hứa hẹn lợi nhuận hàng năm tới 125% hoặc 25% một tuần. Những kẻ lừa đảo khuyên nạn nhân “nắm giữ 3 cổ phiếu này và bạn sẽ trở thành triệu phú”.
Và Bill Ackman không phải ông lớn ngành tài chính duy nhất bị mạo danh. Công ty quản lý quỹ ARK Investment Management của bà Cathie Wood cũng đã phát hiện hàng nghìn quảng cáo mạo danh bà. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với Peter Lynch của Fidelity Investments, Ray Dalio của Bridgewater Associates và nhà quản lý quỹ phòng hộ Steve Cohen – chủ sở hữu của New York Mets.
Cách thức lừa đảo diễn ra thế nào?
Trò lừa đảo này chỉ là một hình thức khác của hành động phi pháp là bơm – xả kinh điển trên thị trường tài chính. Đây là hình thức thao túng thị trường của một cá nhân hoặc một nhóm, “bơm thổi giá”, thu hút nhà đầu tư nhảy vào, rồi sau đó xả hàng ồ ạt khiến giá rớt mạnh.
Một số nạn nhân của quảng cáo lừa đảo mạo danh bà Cathie Wood được dẫn đến một trang Facebook. Sau đó, họ được hướng dẫn tham gia một loạt nhóm trên ứng dụng WhatsApp. Những người quản trị nhóm tự xưng là cộng sự của bà Wood.
Các nạn nhân sau đó được mời tham gia “room VIP” để được lựa chọn cổ phiếu cụ thể. Một nạn nhân cho biết trợ lý giả tên là Ava Evans sẽ đặt ra những câu hỏi cá nhân và khuyến khích người này đầu tư nhiều hơn vào mỗi giao dịch.
Giám đốc điều hành William Scherer của Cathie Wood đã cảnh báo: “Bất kỳ tin nhắn WhatsApp nào của tôi gửi đều là lừa đảo”.
Cơ quan quản lý ngành chứng khoán Fina đưa ra cảnh báo vào ngày 11/1 rằng số lượng khiếu nại của nhà đầu tư về nhóm lừa đảo ngày càng tăng.
Ủy ban Thương mại Liên bang, cơ quan quản lý các hoạt động kinh doanh lừa đảo ở Mỹ cho biết, số tiền thiệt hại do lừa đảo mạo danh đã tăng gấp 3 lần từ năm 2019 đến năm 2023, lên 2,3 tỷ USD.
Vào tháng 9/2021, Meta Platforms, công ty mẹ của Facebook, cho biết họ có 40.000 người làm việc về vấn đề an toàn và bảo mật. Đồng thời, Facebook cũng sử dụng trí tuệ nhân tạo để chặn các tài khoản giả mạo. Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng những nỗ lực này đã giảm đi sau đợt cắt giảm nhân sự tại Meta.
Hậu quả nặng nề
Chủ sở hữu công ty xây dựng Peter Bourget cho biết ông đã tham gia một nhóm vào mùa thu năm ngoái. Ông kể rằng các tin nhắm trong nhóm WhatsApp ban đầu nghe rất uy tín và hợp pháp. Một số kẻ lừa đảo trong nhóm đã khuyến khích nạn nhân dốc cạn tài khoản hưu trí 401(k), thế chấp nhà hoặc vay mượn từ bạn bè để nhân đôi số tiền đổ vào cổ phiếu họ mua.
Ông Bourget, người đã mất 45.000 USD, cho biết: “Chúng rất tinh vi và hoạt động có tổ chức, nhưng tôi vẫn rất xấu hổ khi bị lừa đảo”.
Luật sư đầu tư Josh Kons ở Hartford, tiểu bang Connecticut, đại diện cho một cặp vợ chồng ở Nashville bị mất 1,3 triệu USD. Ông cho biết có rất ít người trong số 30 người trong nhóm WhatsApp là người thật.
Cặp vợ chồng này đã lãi từ 4 trong số 5 cổ phiếu vào tháng 10 và 11. Sau đó, một cổ phiếu Hồng Kông tăng 15% vào đầu tháng 12. Nhưng khi quy mô đầu tư tăng lên, họ bị những kẻ lừa đảo thúc giục mua thêm hai cổ phiếu DreamEast Group và Super Strong Holdings vào gần cuối tháng 12. Hai cổ phiếu này đã “cắm đầu” giảm lần lượt 90% và 98% trong cùng ngày. Đôi vợ chồng này mất gần như toàn bộ số tiền tiết kiệm và đang cân nhắc phải quay trở lại làm việc.
Một số nhà đầu tư đang thành lập một nhóm nạn nhân. Nhóm này hiện có 29 thành viên và họ hy vọng lấy lại được phần nào trong tổng số 3,2 triệu USD đã bị lừa.
Tham khảo WSJ