Nghịch lý “cơm hộp” ở nền kinh tế lớn nhất nhì châu Á: Lương tăng ‘ầm ầm’ nhưng người dân ‘chẳng thèm’ tiêu tiền, Nhật Bản sẽ trở nên ‘già nua’ và mất dần sức ảnh hưởng?
Lãi suất siêu thấp, đồng yên rớt giá mạnh cùng nhiều yếu tố ảm đạm khác, nhiều người cho rằng kinh tế Nhật Bản khó có sự cải thiện.
Trong suốt 3 thập kỷ qua, nền kinh tế Nhật Bản gần như chìm trong tình trạng giảm phát, đình trệ và mất dần sức ảnh hưởng trên toàn cầu. Đây không còn là một trường hợp “giả tưởng”.
Từ năm 1991 đến 2021, tỷ lệ lạm phát hàng năm của Nhật Bản đạt trung bình là 0,35%. Lạm phát ở mức trên 2% kể từ tháng 4/2022. Vào tháng 3, BOJ đã tăng lãi suất lần đầu tiên sau 17 năm, kết thúc thời kỳ lãi suất âm. Ở cuộc họp cuối tháng này, NHTW Nhật Bản sẽ thảo luận về khả năng thực hiện một đợt tăng lãi suất nữa.
Trong khi đó, chỉ số Nikkei đã phá đỉnh ghi nhận hồi tháng 2. Chỉ số Topix cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 1990. Dường như, thập kỷ mất mát ở Nhật Bản đã đi qua.
Song, điều gì sẽ diễn ra tiếp theo? Một số chuyên gia lại có nhận định lạc quan. Morgan Stanley đã dự báo về “sự hồi sinh của Nhật Bản”. Lạm phát tăng lên và các doanh nghiệp sẽ năng động hơn, giúp quốc gia châu Á này trở lại quỹ đạo tăng trưởng, kiểm soát nợ công và giữ vị thế là một trong số các nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Nhật Bản đã trở thành điểm đến cho các công ty công nghệ đang tìm cách củng cố chuỗi cung ứng. Ví dụ, gã khổng lồ ngành bán dẫn của Đài Loan (Trung Quốc), TSMC, đang rót hàng tỷ USD vào các nhà máy sản xuất mới.
Trong khi đó, một số khác lại có quan điểm ảm đạm hơn. Một số người cho rằng, sau 3 quý liên tiếp suy giảm hoặc không tăng trưởng, Nhật Bản đã rơi vào trạng thái lạm phát đình trệ nhẹ. Tiềm năng tăng trưởng dài hạn vẫn ở mức thấp, đồng yên rớt giá mạnh và những trở ngại về nhân khẩu học đang xuất hiện.
Nhóm có quan điểm bi quan lo ngại rằng tương lai của Nhật Bản sẽ là một nền kinh tế trung bình, với gánh nặng nợ nần, đồng nội tệ yếu và lực lượng lao động đang già đi.
Tác động của thời kỳ mới có thể được thể hiện rõ ở Nihonbashi, khu phố nằm ở phía đông bắc Tokyo.
Những gì diễn ra ở đây từ lâu đã “chuyển động” song song với diễn biến của nền kinh tế Nhật Bản. Trong thời kỳ Edo (1603-1868), các thương gia đã tập trung tại đây, khiến Nihonbashi trở thành trung tâm thương mại của Nhật Bản. Ở thời Minh Trị (1868-1912), khi Nhật Bản mở cửa với thế giới, khu phố trở thành trụ sở của các tổ chức tài chính hiện đại đầu tiên.
Đường cao tốc được xây dựng phía trên cầu Nihonbashi vào năm 1963 là biểu tượng cho sự tăng trưởng bùng nổ của Nhật Bản trong những thập kỷ sau Thế chiến II. Các cửa hàng đóng cửa dọc đại lộ Nihonbashi lại là minh chứng cho thời kỳ bong bóng tài sản vỡ tung trong những năm 1990.
Giờ đây, khu vực này cho thấy góc nhìn về thực trạng kinh tế mới của Nhật Bản. Bắt đầu tại Benmatsu Souhonten, nơi cho biết họ là nhà cung cấp bento lâu đời nhất Nhật Bản, hoạt động từ trước khi các “con tàu đen” của Mỹ đến để thúc đẩy giao thương nước ngoài với Nhật Bản. Hiện tại, chi phí nhập khẩu tăng vọt do đại dịch và ảnh hưởng của mâu thuẫn Nga – Ukraine không khác gì những “con tàu đen”.
Một điều tưởng chừng như không tưởng nay đã trở nên phổ biến. Các công ty ở Nhật Bản liên tục tăng giá và người tiêu dùng tiếp tục quay trở lại. Benmatsu Souhonten đã tăng giá bento 2 lần trong 2 năm qua.
Đó là sự thay đổi mà các quan chức của BOJ, đặt trụ sở gần Benmatsu Souhonten, đã mất nhiều năm để định hình song không mang lại nhiều hiệu quả. Trong khi các NHTW khác tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, thì BOJ lại không làm gì, kỳ vọng tận dụng các cú sốc bên ngoài để củng cố mục tiêu 2%.
Chiến lược đó dường như đang phát huy tác dụng. Giá của một lượng lớn hàng hoá tại Nhật Bản đang tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ những năm 1990. Cuộc khảo sát Tankan mới đây của BOJ về tâm lý doanh nghiệp cho thấy các công ty dự đoán lạm phát sẽ ở mức 2% hoặc cao hơn trong 5 năm tới.
Giá cả leo thang cũng đã giúp thúc đẩy các công ty tăng lương. Các cuộc đàm phán hàng năm, được gọi là “shunto”, đã dẫn đến đợt tăng lương lớn. Mức tăng danh nghĩa trung bình trong năm nay tại Nhật Bản sẽ vượt 5% lần đầu tiên kể từ năm 1991.
Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục diễn ra nhờ những thay đổi về nhân khẩu học và thế hệ. Khi dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản sụt giảm, sự cạnh tranh về việc đi tìm nhân tài ngày càng nóng lên. Trước đây, thay đổi công việc được coi là điều “cấm kỵ”, nhưng giới trẻ nước này hiện tại ít lo lắng hơn về điều đó.
Tăng trưởng tiền lương mạnh mẽ là yếu tố chính khiến BOJ vẫn giữ lãi suất thấp vào tháng 3. Dù NHTW Nhật Bản vẫn duy trì quan điểm như vậy nhưng các nhà phân tích kỳ vọng sẽ có ít nhất 1 đợt tăng nữa trong năm nay.
Goldman Sachs ước tính lãi suất tham chiếu của BOJ sẽ tăng dần từ mức hiện tại 0% đến 0,1% lên 1,5% vào năm 2027. Tác động từ việc lạm phát leo thang và lãi suất cao hơn có thể là rất lớn. Theo Okina Yuri, Chủ tịch Viện Nghiên cứu Nhật Bản, điều này sẽ khiến các doanh nghiệp buộc phải tính đến việc thay đổi mô hình kinh doanh, không chỉ về mặt giá cả mà còn các loại hàng hoá.
Áp lực kể trên, cùng sự thay đổi trong quản trị doanh nghiệp, đang thúc đẩy sự lạc quan tại Sở Giao dịch chứng khoán Nhật Bản (JSE) ngay phía nam cầu Nihonbashi. Yamaji Hiromi, giám đốc JSE, cho biết, nhiều người tin rằng Nhật Bản nay đã khác.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp cũng đang chuyển từ cắt giảm chi phí sang thúc đẩy tăng trưởng dựa trên đầu tư. Ông Yamaji nói, tích trữ tiền mặt đang là chiến lược được ưa chuộng hơn trong môi trường lạm phát và đây là một lối tư duy hoàn toàn khác.
Một số hộ gia đình Nhật Bản đã bắt đầu sử dụng tiền tiết kiệm để đầu tư. NISA, chương trình mới của chính phủ nhằm khuyến khích hoạt động đầu tư nhỏ lẻ với ưu đãi miễn thuế lãi vốn, đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ kể từ khi ra mắt vào tháng 1.
Người trẻ Nhật Bản – nhóm chưa từng trải qua những khó khăn do bong bóng tài sản vỡ – đã thể hiện sự nhạy bén. Gần 7 nghìn tỷ yên (44 tỷ USD) đã chảy vào tài khoản NISA trong 4 tháng đầu năm nay, khoảng 1 nửa số tiền này được đầu tư vào thị trường trong nước.
Tuy nhiên, dù nhà đầu tư hào hứng, nhưng người tiêu dùng Nhật Bản lại có tâm lý e dè. Ở tầng trên cùng của một cửa hàng bách hoá của Nihonbashi vào tháng trước, Kasai Hidekazu, một giáo viên đã nghỉ hưu, đang dùng cơm hộp bento. Ông trầm ngâm: “Chắc chắn là tôi không thấy tình hình đang tốt lên”. Tăng trưởng tiền lương vẫn chậm hơn tốc độ lạm phát, đồng nghĩa với việc trên thực tế nhiều người Nhật vẫn bị cắt giảm lương. Do đó, sức tiêu thụ cũng chậm lại.
Trong các cửa hàng nằm ở tầng bên dưới, nhiều người mua sắm là khách du lịch nước ngoài, một phần bị thu hút bởi đồng yên rẻ hơn. Tỷ giá đồng yên đang ở mức thấp. Đức gần đây đã vượt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới tính theo giá USD hiện tại.
BOJ kỳ vọng tiền lương sẽ bắt đầu tăng theo giá trị thực vào cuối năm nay và điều này sẽ khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu. Tuy nhiên, người tiêu dùng nước này, vốn chịu ảnh hưởng bởi tình trạng giảm phát kéo dài hàng thập kỷ, có thể không làm như vậy.
Ông Kasai cho biết: “Bây giờ thứ gì cũng đắt. Tôi nghĩ mình nên tiết kiệm tiền.”
Ngoài ra, áp lực nhân khẩu học vốn gây áp lực cho thị trường lao động cũng kéo tụt tốc độ tăng trưởng. Dân số trong độ tuổi lao động của Nhật Bản (hiện là 74 triệu) được dự đoán sẽ giảm 30 triệu từ năm 2020 đến 2070. Dù sự cải thiện có như thế nào, thì tốc độ tăng trưởng tiềm năng vẫn ở mức dưới 1%.
Những vấn đề này có thể thấy rõ ở các cửa hàng và quán cafe dọc theo shotengai, hay còn gọi là phố chợ, ở Ningyocho, phía đông Nihonbashi. Masukawa Yoshio, chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp khu vực này, than thở: “Ngày càng có ít khách”. Quán cafe của ông chỉ mở cửa 5 ngày/tuần vì thiếu nhân viên.
Ông không chắc sẽ có ai tiếp quản việc kinh doanh sau khi nghỉ hưu, nhưng vẫn hy vọng về tương lai: “Mọi thứ rất trì trệ, nhưng ít nhất thì bây giờ cũng có sự cải thiện.”