Loại vật liệu quan trọng có mặt trong hầu hết các ngành công nghiệp chuẩn bị rơi vào tình trạng dư thừa, giá giảm sâu – Nguyên nhân bắt nguồn từ Trung Quốc?
Ngành nhựa toàn cầu sắp rơi vào tình trạng suy giảm biên lợi nhuận vì dư cung, khi một loạt nhà máy tại Trung Quốc chuẩn bị đưa lượng lớn sản phẩm ra thị trường.
Trung Quốc ồ ạt đưa nhựa ra thị trường
Công ty tư vấn ngành ICIS cho biết, tại Trung Quốc, hiện có khoảng hơn 20 dự án hóa dầu đang được xây dựng để sản xuất các nguyên vật liệu thô cho bao bì nhựa, quần áo cho tới chất tẩy rửa. Các dự án này sẽ được hoàn tất trong năm 2023.
Tuy nhiên, nền kinh tế Trung Quốc hồi phục yếu hơn dự báo và ngành nhựa được đầu tư mở rộng quá nhiều, tình trạng dư cung có thể sẽ xảy ra.
Hậu quả là biên lợi nhuận từ các sản phẩm hóa dầu như ethylene và propylene có thể giảm, từ đó càng gây khó khăn cho một ngành vốn đã chịu nhiều áp lực trong năm nay. Trong tháng 6 vừa qua, biên lợi nhuận của ngành này ở mức thấp hơn khoảng 40% so với năm 2019.
Từ lâu, Trung Quốc đã nỗ lực mở rộng ngành nhựa, bởi nhu cầu nhựa nội địa đã vượt xa các sản phẩm từ dầu khác như nhiên liệu vận tải và nhiên liệu công nghiệp.
Ý tưởng ban đầu là sản xuất các sản phẩm giá trị cao hơn và bù đắp cho sự suy giảm nhu cầu xăng dầu khi ngày càng nhiều người chuyển sang xe điện. Tuy nhiên, việc đưa vào hoạt động quá nhiều nhà máy lớn cùng một lúc có thể dẫn tới tình trạng dư cung và suy giảm lợi nhuận. Nhưng điều này lại củng cố thị phần và sự thống trị ngành nhựa của Trung Quốc.
Nếu không thể tiêu thụ trong nước, Trung Quốc sẽ xuất khẩu nhựa giá rẻ sang phần còn lại của khu vực, tiếp tục lấy thị phần của các ông lớn Hàn Quốc và Nhật Bản. Đây là tin xấu cho các nhà sản xuất lớn trong khu vực như Formosa Plastics Corp., Lotte Chemical Corp. và GS Caltex Corp.. Họ sẽ phải cạnh tranh khốc liệt với các gã khổng lồ đến từ Trung Quốc.
Một thế lực thực sự trong ngành nhựa, đe dọa các nước phương Tây
Salmon Lee, chuyên gia tại Wood Mackenzie, cho biết thị trường kỳ vọng kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục mạnh và vững sau đại dịch, nhưng thực tế không phải vậy. Hiện nguồn cung ở nhiều thị trường như Việt Nam, Thổ Nhĩ Kỳ, Nam Phi và Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng và chưa được tiêu thụ hoàn toàn.
Larry Tan, Phó Chủ tịch phụ trách tư vấn hóa chất khu vực châu Á ở S&P Global Commodity Insights, chia sẻ tình trạng dư cung có thể diễn ra trong năm nay. S&P dự báo biên lợi nhuận ngành nhựa trên toàn cầu vẫn ở mức thấp cho tới khi nhu cầu và công suất cân bằng trở lại vào năm 2025.
Trong giai đoạn từ năm 2020-2024, các nhà máy mới sẽ nâng công suất sản xuất thêm khoảng 50 triệu tấn ethylene, trong đó 60% đến từ Trung Quốc. Ông Tan cho biết, mức tăng công suất của Trung Quốc trong giai đoạn 2020-2024 gấp 400% công suất hiện tại của Nhật Bản.
Ngoài ra, Trung Quốc còn tiếp tục đầu tư vào các nhà máy mới. Trong tháng 5/2023, Sinopec thông báo đầu tư 27,8 tỷ NDT (3,85 tỷ USD) vào nhà máy mới ở thành phố Lạc Dương và dự kiến hoàn tất vào năm 2025. Mới đây, Ả-rập Xê-út cũng đầu tư vào dự án Rongsheng Petrochemical tại Trung Quốc, với hóa dầu là mảng cốt lõi.
Michal Meidan, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc tại Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford cho biết: Trung Quốc sở hữu lĩnh vực hóa dầu tiên tiến, một lợi thế về thị trường nội địa khổng lồ và ngày càng lớn, cũng như khả năng cạnh tranh về giá khi xuất khẩu.
Tuy nhiên, với các quốc gia phương Tây, câu hỏi đặt ra là việc mở rộng của Trung Quốc sẽ gây tác động tới mức nào. Theo dữ liệu từ ICISt, công suất hóa dầu của Trung Quốc sẽ chiếm 25% thế giới vào cuối năm nay, cao hơn nhiều so với mức 14% của 5 năm trước.
John Driscoll, Giám đốc tại JTD Energy Services Pte, cho biết Trung Quốc có thể tận dụng sức mạnh là quốc gia tinh luyện hàng đầu thế giới để trở thành nhà cung ứng hóa dầu quan trọng nhất và cạnh tranh nhất thế giới.
Ông nhận định, một ngày nào đó phương Tây sẽ choàng tỉnh trước một Trung Quốc quá lớn mạnh về ngành nhựa, họ sẽ trở thành nhà cung ứng lớn nhất về các sản phẩm từ nhựa. Trong khi đó, các khu vực phát triển như Mỹ, châu Âu hay Australia cắt giảm mạnh sản xuất mà không giải quyết được nhu cầu về các loại nguyên vật liệu này.
Khi đối mặt với các rủi ro đó, các quốc gia như Ấn Độ và Việt Nam có thể chọn xây dựng cơ sở sản xuất ở nội địa, chuyên gia Tan của S&P cho biết. Các quốc gia này sẽ phải cân nhắc giữa tỷ suất lợi nhuận đầu tư và các mục tiêu khác như tăng trưởng kinh tế, việc làm và giảm bớt phụ thuộc vào xuất khẩu.
“Các quốc gia Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan từng dẫn đầu trong ngành nhựa, nhưng giờ đây Trung Quốc sẽ trở thành một thế lực thực sự trong vài năm tới”, ông Lee nhận định.