Kỳ lạ nhà đầu tư bất động sản quyết tâm “ôm hàng” dù được phép trả lại cọc
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, niềm tin vào thị trường của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Đáng chú ý, nhiều nhà đầu tư của một số dự án quyết tâm “ôm hàng” dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại.
Đánh giá tổng quan về thị trường, Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, toàn thị trường hiện có hàng nghìn dự án phát triển bất động sản với hàng trăm nghìn sản phẩm có tổng giá trị hơn 300 tỷ USD. Trong đó, khoảng 1.200 dự án đang vướng mắc với giá trị khoảng 30 tỷ USD. Trong số này, có khoảng 500 dự án đang được tháo gỡ. Còn lại khoảng gần 800 dự án đang “xếp hàng chờ đến lượt”.
Kể từ năm 2018, số lượng dự án nhà ở mới được phê duyệt ngày càng bị hạn chế. Cơ cấu sản phẩm chỉ có 40% là dự án nhà ở, 30% là dự án du lịch nghỉ dưỡng, còn lại là các dự án thuộc phân khúc khác.
Điểm sáng của thị trường bất động sản là tổng cầu được cải thiện nhờ kết quả của các cơ chế chính sách đang thẩm thấu dần, kinh tế bớt khó khăn, động thái giảm lãi suất,… Tuy nhiên, lực cầu vẫn chỉ bằng 30% so với giai đoạn trước khi thị trường gặp khó khăn. Trong số đó có khoảng 50% là nhu cầu về nhà ở nhưng gặp khó khăn về tài chính không thể chuyển thành cầu thật. Lực cầu mua phục vụ nhu cầu để ở dù không nhiều nhưng cũng đã giúp thị trường phát sinh giao dịch. Tuy nhiên, chưa thể bật tăng do thị trường thiếu nguồn cung đáp ứng nhu cầu này.
Bên cạnh đó, 20% là nhu cầu đầu tư bất động sản mua đi, bán lại, tăng khoảng 10% so với quý trước do được kích thích nhờ tình hình kinh tế có dấu hiệu hồi phục, lãi suất giảm thúc đẩy một phần dòng tiền quay trở lại thị trường. Cầu đầu tư chưa thể bật tăng do nhà đầu tư vẫn tiếp tục giữ tâm lý chờ “bắt đáy”. Còn lại 30% cầu đầu tư để khai thác cho thuê. Đây là sự lựa chọn ưu tiên của nhiều khách hàng, nhà đầu tư. Đặc biệt là các sản phẩm căn hộ, nhà ở riêng lẻ có thể cho thuê tạo dòng tiền ổn định tại đô thị lớn hay tại các địa phương có tiềm năng cao về phát triển du lịch như Quảng Ninh, Đà Nẵng, Lào Cai, Phú Quốc…
Mặt bằng giá bán sơ cấp vẫn ghi nhận ở ngưỡng cao, khó giảm, thậm chí tăng nhẹ so với quý trước, ở tất cả các phân khúc. Giá bất động sản thứ cấp tiếp tục có xu hướng đi ngang và giảm nhẹ với các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng, biệt thự, liền kề có giá trị cao.
Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, niềm tin vào thị trường của khách hàng và nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Đáng chú ý, theo VARS, nhiều nhà đầu tư của một số dự án quyết tâm “ôm hàng” dù được phép trả lại cọc và khoản lãi phát sinh do dự án đến thời hạn cam kết mua lại.
Thị trường bắt đầu xuất hiện các nhóm nhà đầu tư sẵn sàng nhập cuộc “săn” bất động sản giá hời để chuẩn bị bước vào chu kỳ tăng trưởng mới trong thời gian tới.
Theo ông Trần Văn Bình, Phó chủ tịch VARS, cùng với các nút thắt về pháp lý, nguồn vốn, thì “niềm tin của khách hàng, nhà đầu tư” chính là “chốt chặn cuối cùng” cần giải tỏa để thị trường bất động sản thực sự trở về “trạng thái bình thường”.
Cũng theo ông Bình nhận định, thị trường bất động sản quý IV sẽ là bước đệm cho sự chuyển mình vào năm 2024. Bức tranh toàn cảnh thị trường chắc chắn sẽ có thêm nhiều điểm sáng mới. Đặc biệt là những khu vực đang còn nhiều dư địa phát triển, có quy hoạch đồng bộ, hiện đại, hạ tầng được quan tâm, chú trọng đầu tư, mặt bằng giá chưa cao.
Đồng quan điểm trên, bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam Chi nhánh Hà Nội cho biết, thị trường nhà ở đã bắt đầu có những chuyển biến tích cực hơn trong quý II năm nay nhờ các yếu tố mặt bằng lãi suất giảm và các chính sách bán hàng linh hoạt từ các chủ đầu tư.
Lượng nguồn cung mới, dù còn ở mức hạn chế, dự kiến sẽ có sự cải thiện trong quý IV, và nhiều khả năng sẽ ghi nhận khả năng thanh khoản tốt hơn với sự hỗ trợ của mặt bằng lãi suất cũng như tâm lý mua nhà thường tích cực hơn vào thời điểm cuối năm.