Bloomberg: Một phần thế giới đang thoát khỏi trật tự thương mại toàn cầu mà Mỹ nhiều năm lãnh đạo
Thương mại tự do, sự phụ thuộc vào đồng USD và điều chỉnh chính sách theo chính sách của Mỹ không còn là điều mà nhiều nền kinh tế còn cảm thấy hào hứng.
Đó chính xác là những quy tắc kinh tế mà Mỹ và phương Tây đã viết ra sau Thế chiến II. Suốt hơn 70 năm qua, những quy tắc này đã trở thành nền tảng của trật tự thương mại toàn cầu. Tuy nhiên giờ đây, các quốc gia đang phát triển – thường được gọi là Nam Bán Cầu – đang âm thầm sửa đổi chúng.
Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện tại, các nước Nam Bán Cầu nhìn thấy cơ hội tự vạch ra tương lai của chính mình. Họ muốn giành quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên, sắp xếp lại các mối quan hệ từ thời thuộc địa – một phần bằng cách quốc hữu hóa các nhà máy nằm trong lãnh thổ của họ. Cùng với Namibia và Zimbabwe, Ghana đang chuẩn bị cấm xuất khẩu lithium, nguồn tài nguyên thiết yếu của xe điện. Indonesia cấm xuất khẩu quặng niken.
Argentina, Brazil, Chile và Indonesia đang hoan nghênh các nhà đầu tư pin xe điện từ Trung Quốc thay vì từ Mỹ. Ông Luhut Panjaitan, Bộ trưởng Đầu tư của Indonesia, nói rằng: “Chúng tôi không thể tiếp tục chờ ban ơn. Các ông có thể tức giận với chúng tôi khi chúng tôi làm ăn với các quốc gia khác nhưng chúng tôi cần phải tồn tại”.
Khi đến thăm Trung Quốc vào tháng 4, Tổng thống Brazil Luiz Inácio Lula da Silva đã hỏi: “Ai là người quyết định đồng USD có quyền lực toàn năng”? Ngân hàng Trung ương Thái Lan đang thảo luận về các kế hoạch mới nhằm đa dạng hóa rổ tiền tệ mà họ sử dụng để thiết lập giá trị đồng bath, khiến nó ít bị ràng buộc hơn với đồng USD.
Indonesia thì đang củng cố thị trường nội tệ trong khi các nước láng giềng khu vực thiết lập hệ thống thanh toán số nhằm giảm nhu cầu sử dụng đồng USD trong các giao dịch hàng ngày. Châu Phi cũng đang thảo luận về một đồng tiền chung.
Thêm một yếu tố địa chính trị khác. Các quốc gia đã không còn chọn phe trong mâu thuẫn giữa phương Tây với Nga và Trung Quốc. 32 quốc gia đã bỏ phiếu trắng trong một nghị quyết của Liên Hợp Quốc hồi tháng 2 nhằm yêu cầu Nga rút khỏi Ukraine.
Các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina và Bộ trưởng Tài chính Philippines Benjamin Diokno thì nhấn mạnh mong muốn “làm bạn với tất cả mọi người” của quốc gia họ. Trong khi đó, Ấn Độ tiếp tục mua dầu Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây thiết lập bởi lợi ích của chính mình.
Ở chiều ngược lại, Mỹ và phương Tây dường như chưa có bất cứ giải pháp nào để đối phó với thực trạng hiện tại. Theo cựu Đại diện Thương mại Mỹ Michael Froman, Washington thực sự chưa xác định được mục tiêu, kế hoạch cho tương lai. Đáp lại, các nước Nam Bán Cầu đã đưa ra quyết định về tầm nhìn của họ.