Xuất hiện tâm lý “sợ tăng giá”, khách mua nhà Hà Nội xuống tiền “nhanh như chớp” 3 tháng trở lại đây, thị trường chung cư đang có những cơn sốt nhỏ, giá thay đổi theo ngày. Chính vì vậy, xuất hiện tâm lý “sợ tăng giá”, khách hàng đưa ra quyết định giao dịch nhanh chóng diễn ra phổ biến.
Mới đây, Viện Nghiên cứu Kinh tế – Tài chính – Bất Động Sản Dat Xanh Services (DXS – FERI) đã công bố báo cáo nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam quý I/2024.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư/ khách hàng bất động sản bắt đầu gia tăng việc tìm kiếm các sản phẩm bất động sản, theo dõi giá cả và chính sách của các dự án, cân nhắc quyết định xuống tiền để sở hữu ngay khi chọn được bất động sản phù hợp. Tỷ lệ khách hàng giao dịch ngay sau khi tìm hiểu tăng lên đáng kể so với năm 2023 tại một số vùng thị trường bởi tâm lý “sợ tăng giá” và “sợ bị giảm ưu đãi”. Đặc biệt tại thị trường Hà Nội, việc khách hàng phải quyết định giao dịch nhanh chóng càng diễn ra phổ biến hơn.
Tâm lý “sợ tăng giá” xuất hiện do 3 tháng trở lại đây, giá chung cư ở Hà Nội tăng mạnh. Thị trường này đang có những cơn sốt nhỏ, giá thay đổi theo ngày, ngày hôm trước và ngày hôm sau vào đặt cọc giá đã thay đổi.
Theo một khảo sát của DXS – FERI, khách hàng tập trung chủ yếu ở nhóm có nhu cầu mua ở thực (58%), tiếp theo đó là nhóm khách hàng đầu tư dài hạn (16%) và khai thác cho thuê (18%), cũng đã xuất hiện lượng khách quan tâm đến việc đầu tư lướt sóng ngắn hạn nhưng tỷ lệ không đáng kể (3%), còn lại là các mục đích khác (5%).
Tuy nhiên về cơ bản, khách hàng đang chia thành 2 nhóm chính: Nhóm cơ hội, tận dụng thời cơ: Khách hàng quyết định giao dịch nhanh chóng để tận dụng dòng tiền rẻ và chính sách bán hàng tốt; Nhóm cẩn trọng: Khách hàng lựa chọn kỹ phân khúc, loại hình bất động sản trước khi xuống tiền: đa phần là khách hàng mua ở thực.
Theo khảo sát của DXS- FERI với nội dung “Kênh đầu tư nào được ưu tiên lựa chọn trong quý 1/2024”, thì bất động sản là kênh đầu tư được lựa chọn nhiều thứ hai (24%), tiếp theo sau kênh đầu tư vào vàng (34%).