Vừa ngồi ‘ghế nóng’, tân Chủ tịch Bamboo Airways vừa làm cà phê đặc sản: Con đường từng bỏ dở để ‘làm quan’ và không đủ đam mê như Đặng Lê Nguyên Vũ
Ông Phan Đình Tuệ từng là Phó giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức – một DN vừa sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê thuộc top xuất khẩu của Việt Nam từ năm 1991- 2004. Ông cũng từng starup mở xưởng rang xay và đi bán cà phê bột.
Ông Phan Đình Tuệ cho biết, trong một tình cờ gặp lại hai người bạn (một người Việt Nam, một người đến từ Thụy Sĩ) đều có kinh nghiệm trên 20 năm trong ngành cà phê, họ đã đề nghị ông Tuệ cùng tham gia hợp tác. Trong đó, cả ba có chung ý tưởng và mong muốn tạo ra một thương hiệu cà phê đặc sản kiểu như limited, và thương hiệu cà phê đặc sản ALAMBÉ ra đời.
Theo giới thiệu trên Website, thương hiệu ALAMBÉ – FINEST VIETNAMESE COFFEE ra đời vào tháng 12/2018, thông qua việc xây dựng một nhà máy rang xay cà phê và thành lập nên Công ty TNHH Dịch vụ rang xay chuyên nghiệp Sài Gòn. Công ty chính thức hoạt động tại nhà máy mới ở quận Thủ Đức, Tp.HCM vào tháng 7/2019. Hiện, danh mục sản phẩm của ALAMBÉ từ cà phê rang xay, cà phê viên nén, cà phê phin giấy đến cà phê hạt rang.
Thị trường cà phê là một “sân chơi” tương đối khốc liệt với loạt thương hiệu lớn nhỏ bao gồm cả nội và ngoại. Chưa kể, bối cảnh hiện tại thị trường chứng kiến nhiều sự biến động hậu Covid-19 và suy thoái, nhiều “tay to” phải thu hẹp quy mô để bảo toàn, thậm chí có bên rời bỏ…
Nói về điều này, ông Tuệ thừa nhận tham gia thị trường cà phê là không dễ, nhất là với người đến sau. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực ông cho rằng bản thân rất thích thú, hơn nữa cà phê có những kỉ niệm gắn bó với cuộc đời ông.
“Tôi được sinh ra tại nông trường Tây Hiếu thuộc vùng đất bazan Phủ Quỳ, ở miền Tây Nghệ An, nơi mà bố mẹ tôi đã từng làm công nhân của nông trường, tôi được sinh ra bên gốc cà phê, lớn lên cùng cây cà phê nên có nhiều kỷ niệm gắn bó với cà phê, đặc biệt là kỷ niệm của những năm tháng còn bom đạn của chiến tranh phải đi sơ tán.
Tốt nghiệp đại học, tôi vào làm việc tại ngành ngân hàng ở Đắk Lắk, sau 7 năm lại nối duyên với ngành cà phê, rồi trở thành Phó giám đốc Công ty Cà phê Việt Đức – một doanh nghiệp vừa sản xuất, chế biến và xuất khẩu cà phê thuộc top xuất khẩu của Việt Nam từ năm 1991- 2004. Trong thời gian này tôi đã từng starup mở xưởng rang xay và đi bán cà phê bột. Tuy nhiên, đam mê chưa đủ lớn và ngày ấy do chưa có máu làm ông chủ nên tôi không tiếp tục theo đuổi sự nghiệp cà phê”, ông Tuệ chia sẻ với báo Doanh nhân Sài Gòn.
Thời đó, do đang chân trong chân ngoài và đứng trước nhiều sự lựa chọn nên ông Tuệ cho biết bản thân chọn sự an toàn, tức là đi làm trong cơ quan nhà nước để có thu nhập ổn định và có cơ hội phấn đấu để “làm quan”.
Chưa kể, lúc bấy giờ là thời kỳ đỉnh điểm của kinh tế bao cấp nên kinh tế gia đình rất khó khăn, ai cũng mong muốn đi làm cán bộ nhà nước để hàng tháng có sổ gạo, tem phiếu thực phẩm và còn có tiền lương phụ thêm cho kinh tế gia đình; ít ai dám startup để đứng ra làm chủ.
Khi được hỏi về đam mê cà phê, ông Tuệ từ chối “khái niệm” này bởi theo ông: “Đam mê thì lớn lao lắm, phải như anh Vũ Trung Nguyên phải bán cả xe máy, thất bại nhiều lần vẫn đeo đuổi cà phê và thành công như hôm nay”.
Với ông việc kinh doanh cà phê chỉ là yêu và thích, khi trải qua hành trình dài của sự nghiệp và cuộc đời, tình yêu cà phê vẫn còn, sở thích uống cà phê vẫn đều đặn mỗi ngày và cứ nghĩ đến cà phê là bản thân muốn trải nghiệm và sáng tạo, có chút phiêu phiêu.
Nhận định về thị trường cà phê, ông Tuệ nhận định đúng là rất khốc liệt nhưng đội ngũ ALAMBÉ đánh giá “miếng bánh” thị trường tiếp tục lớn. Nhu cầu tiêu dùng cà phê của thế giới và trong nước ngày càng cao, người ta sẽ uống cà phê nhiều hơn. Hơn nữa, người tiêu dùng bây giờ thích có nhiều loại bánh chứ không phải một loại truyền thống nữa. Nếu mình có một loại bánh tương đối khác biệt, theo hướng đặc sản sẽ có khách hàng và thị trường mà không nhiều người đủ đam mê và sự tỉ mỉ để làm ra loại bánh này.
Được biết, đến nay ông Tuệ đã có ba tháng giữ chức vụ “ghế nóng” Bamboo Airways. Hiện, hãng hàng không đang trong quá trình từng bước tháo gỡ khó khăn và tiến hành tái cấu trúc toàn diện.
Ông Phan Đình Tuệ sinh năm 1966 tại Nghệ An, trình độ chuyên môn cử nhân Tài chính – Ngân hàng.
Ông Tuệ bắt đầu làm việc trong lĩnh vực ngân hàng từ năm 1987, đến năm 1991 chuyển sang làm việc tại các doanh nghiệp tỉnh Đăk Lăk và đến năm 2007 mới quay lại lĩnh vực ngân hàng. Ông từng làm Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín, Thành viên Hội đồng quản trị Sacombank.
Từ tháng 6/2023, ông Tuệ gia nhập Bamboo Airways từ tháng với vai trò Thành viên HĐQT, rồi sau đó trở thành Phó Chủ tịch thường trực.