Vietcap dự báo lợi nhuận ròng 2024 của Vinamilk có thể tăng trưởng 2 con số lên trên 10.000 tỷ
Dự phóng của Vietcap cao hơn đáng kể so với kế hoạch mà Vinamilk đề ra và sẽ là mức cao nhất trong vòng 3 năm nếu chính xác.
Sau giai đoạn khó khăn tìm động lực tăng trưởng khi thị trường sữa nội địa có dấu hiệu bão hoà, Vinamilk (VNM) bất ngờ ghi nhận kết quả kinh doanh đột phá trong quý vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần quý 2 của doanh nghiệp này đạt 16.656 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ 2023, qua đó lập kỷ lục kể từ khi hoạt động. Đây cũng là quý có mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm 2022.
Biên lãi gộp cải thiện 2 điểm % so với cùng kỳ, đạt 42,4% khi Vinamilk chốt được giá nguyên liệu bột sữa nhập khẩu tốt hơn. Sau khi trừ các chi phí, doanh nghiệp đầu ngành sữa lãi sau thuế gần 2.700 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ 2023. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong vòng 11 quý và là quý thứ 5 liên tiếp Vinamilk tăng trưởng so với cùng kỳ.
Tình hình kinh doanh của Vinamilk được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới với động lực chính đến từ thị trường nước ngoài. Trong báo cáo mới đây, Vietcap đã tăng dự báo tổng doanh thu năm 2024 các mảng kinh doanh tại nước ngoài của Vinamilk thêm 9% và biên lợi nhuận gộp có thể tăng thêm 240 – 340 điểm cơ bản.
Doanh số từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài dự kiến sẽ tăng 18% so với cùng kỳ trong năm 2024. Trong đó, mảng xuất khẩu có thể tăng 21% và tổng doanh thu của Driftwood và Angkormilk (DW & AK) sẽ tăng 14% so với cùng kỳ. Doanh số bán sữa bột trẻ em được hưởng lợi từ việc các đối thủ cạnh tranh đã dần rút khỏi Iraq do bất ổn trong khi nhu cầu tại quốc gia này vẫn còn.
Bên cạnh đó, Vietcap cho rằng các nỗ lực marketing tích cực của Vinamilk đã và đang diễn ra trong năm qua và dự kiến sẽ còn tiếp tục đến cuối năm 2025, sẽ giúp cho CAGR doanh thu kết hợp của các danh mục sản phẩm có biên lợi nhuận cao của công ty (như sữa tươi, sữa chua, và sữa bột trẻ em) đạt mức 5% trong giai đoạn 2024-2028.
Theo Vietcap, biên lợi nhuận gộp mảng kinh doanh trong nước sẽ dần cải thiện từ mức 44,3% trong năm 2024 lên 44,6% trong năm 2028. Sự cải thiện này chủ yếu là do cơ cấu sản phẩm dần chuyển dịch sang các danh mục có biên lợi nhuận cao hơn, được hỗ trợ bởi các nỗ lực marketing của Vinamilk trong các mảng này.
Với các nhận định trên, Vietcap dự phóng doanh thu thuần năm 2024 của Vinamilk có thể đạt gần 64.500 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ 2023. Lợi nhuận ròng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng 13% so với năm 2023, đạt trên 10.000 tỷ đồng. Con số này cao hơn đáng kể so với kế hoạch mà công ty đề ra và sẽ là mức cao nhất trong vòng 3 năm nếu dự phóng chính xác.
Triển vọng kinh doanh khởi sắc hơn góp phần kéo dòng vốn ngoại trở lại sau giai đoạn bán ròng triền miên. Tính từ đầu tháng 7 đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng hơn 34 triệu cổ phiếu VNM. Giá trị mua ròng tương ứng hơn 2.400 tỷ đồng, cao nhất toàn sàn chứng khoán trong khoảng 2 tháng trở lại đây.
Tiền ngoại trở lại góp phần đẩy cổ phiếu VNM hồi phục mạnh mẽ từ vùng đáy. Cổ phiếu này đã tăng gần 13% trong khoảng một tháng trở lại đây và hiện đang dừng ở mức 73.900 đồng/cp. Vốn hóa thị trường tương ứng đạt 154.500 tỷ đồng (~6,2 tỷ USD), lớn nhất trong ngành F&B trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 25/9 tới đây, Vinamilk sẽ chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức đợt cuối 2023 với tỷ lệ 9,5% và tạm ứng cổ tức đợt 1/2024 với tỷ lệ 15% đều bằng tiền mặt. Với 2,09 tỷ cổ phiếu lưu hành, Vinamilk dự kiến sẽ chi tổng cộng hơn 5.120 tỷ đồng cho đợt cổ tức này. Thời gian thanh toán dự kiến từ ngày 24/10/2024.