Vì sao nhiều trường hợp bị cấm cho vay?
Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) mới đây có công văn đề nghị Ngân hàng (NH) Nhà nước về việc xem xét sửa đổi Thông tư 06/2023/TT-NHNN (Thông tư 06) theo hướng hủy bỏ các quy định về những nhu cầu vốn không được cho vay.
Nguyên do là Thông tư 06 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-9-2023, bổ sung nhiều quy định cấm cho vay, khiến việc tiếp cận tín dụng NH khó khăn hơn so với trước, dẫn đến tình trạng một số doanh nghiệp (DN) có nhu cầu vay vốn, trong đó có các DN bất động sản, người mua nhà, nhà đầu tư bất động sản càng khó tiếp cận được vốn vay NH.
Thậm chí HoREA cho rằng việc quy định thêm các đối tượng không được vay vốn là dựng thêm “rào chắn” với người mua nhà, DN bất động sản khi tiếp cận tín dụng. Việc này gây hệ lụy không nhỏ đến các DN đang trong giai đoạn phát triển, trong đó có các DN bất động sản do không thể tiếp cận vốn để tiếp tục triển khai dự án hay phát triển dự án mới.
Liên quan đến đề nghị này, NH Nhà nước giải thích Thông tư 06 bổ sung quy định về một số nhu cầu mà NH thương mại không được cho vay là để hạn chế rủi ro phát sinh trong hoạt động cho vay, kiểm soát việc sử dụng vốn đúng mục đích. Cụ thể, Thông tư 06 quy định các NH thương mại không được cho vay để gửi tiền nhằm kiểm soát sử dụng vốn vay đúng mục đích phù hợp với việc gửi tiết kiệm, giao dịch chứng minh tài chính. Vì bản chất của tiền gửi tiết kiệm và giao dịch chứng minh tài chính phải hình thành phải từ chính nguồn tiền của khách hàng, không phải là tiền đi vay từ các NH thương mại.
Việc bổ sung quy định về một số nhu cầu mà NH thương mại không được cho vay là để hạn chế rủi ro, kiểm soát việc sử dụng vốn đúng mục đích. Ảnh: TẤN THẠNH
Tương tự, quy định NH thương mại không cho vay đối với mục đích góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán là vì vốn điều lệ của công ty chỉ thể hiện trên báo cáo tài chính, do vậy nếu hình thành từ vốn vay sẽ phản ánh không chính xác năng lực tài chính của công ty đó. Đồng thời, NH thương mại khó kiểm soát mục đích sử dụng tiền vay do không kiểm soát được việc sử dụng vốn, không có cơ sở để đánh giá khả năng trả nợ của bên nhận vốn góp. Đây là một trong những hình thức mà khách hàng có thể sử dụng để che giấu hình thức sở hữu lẫn nhau.
Hay quy định không được cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án, theo NH Nhà nước là do các dự án đó chưa bảo đảm tính pháp lý, sẽ phát sinh rủi ro khi dự án không có nguồn thu, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của khách hàng và vướng mắc trong việc xử lý tài sản bảo đảm.
Còn quy định không cho vay để bù đắp tài chính là vì việc cho vay này tiềm ẩn rủi ro trong sử dụng vốn vay, NH thương mại khó đánh giá sự phù hợp giữa nhu cầu vay vốn và giá trị tài chính khách hàng đã mượn, tính xác thực của các giao dịch. Tuy nhiên, trên thực tế có một số nhu cầu vốn vay bù đắp tài chính là chính đáng, như trường hợp DN cần phải thanh toán một số chi phí phát sinh nhằm bảo đảm tiến độ dự án, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN. Đối với trường hợp này, NH Nhà nước cho biết sau khi khoản vay trung dài hạn được phê duyệt, NH thương mại có thể giải ngân số tiền DN ứng trước vốn; đồng thời, tiếp tục xem xét giải ngân để thực hiện dự án.
Liên quan đến việc cấm cho vay để gửi tiết kiệm, TS Lê Đạt Chí (Trường ĐH Kinh tế TP HCM) đặt tình huống một DN có vốn chỉ vài chục tỉ đồng gửi tiết kiệm NH rồi thế chấp số tiền này để vay vốn nhằm cung cấp hồ sơ năng lực tham gia đấu giá các lô đất. Khi đó, NH cho vay kiểm soát được tiền gửi tiết kiệm. Số vốn hàng chục tỉ đồng của DN đó đủ chi trả cho chênh lệch lãi suất vay vốn và lãi suất tiền gửi, NH không có gì phải lo ngại rủi ro. “Thế nhưng, vấn đề còn lại là khi đấu giá đất thành công, tiền đâu để DN thanh toán? Nếu không thanh toán được, tiền đặt cọc sẽ mất, DN sẽ mất khả năng thanh toán phần chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi. Điều quan trọng nữa là nếu NH cho vay rồi để cho khách gửi tiết kiệm sẽ ảnh hưởng tới room tín dụng hoặc NH không tập trung vào các DN sản xuất – kinh doanh, làm chệch hướng chủ trương của nhà nước” – TS Lê Đạt Chí đặt giả thiết và cho rằng việc ra quy định cấm là phù hợp.
Về kiến nghị của HoREA muốn bỏ quy định không cho vay đối với dự án đã có đầy đủ pháp lý hoặc dự án sử dụng đất đã có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc đã được cấp giấy phép xây dựng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH, cũng không ủng hộ và đề nghị HoREA cần trả lời cho người dân biết nếu dự án nhà đất đã có giấy phép xây dựng nhưng chưa được cấp sổ đỏ; chủ đầu tư đã xây dựng xong nhưng chưa nộp thuế; DN xây dựng trường học, công viên, chưa đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật, chưa cấp chủ quyền cho người mua nhà… nhưng vẫn được vay vốn thì ai sẽ chịu hậu quả? Nếu NH cho DN vay nhưng vì những lý do này mà người mua nhà không nộp tiền theo tiến độ thi công thì DN lấy tiền đâu trả vốn và lãi cho NH?