Vì sao đồng USD suy yếu mạnh trên thị trường quốc tế nhưng vẫn tăng giá so với VND?


Ảnh minh hoạ
Theo MBS, Kho bạc tăng mua ngoại tệ, nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn và chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm mạnh là những yếu tố khiến tỷ giá USD/VND tăng trong tháng 4 dù đồng bạc xanh suy yếu trên thị trường quốc tế.
Trong báo cáo thị trường tiền tệ mới công bố, Chứng khoán MB (MBS) cho biết chỉ số Dollar Index (DXY) duy trì đà giảm mạnh trong suốt tháng 4 dưới sức ép của vòng xoáy thuế quan.
Cụ thể, ngày 2/4 được Tổng thống Trump tuyên bố là “Ngày giải phóng” của nước Mỹ với việc áp thuế đối ứng quy mô lớn lên nhiều đối tác thương mại, trong đó có việc nâng thuế đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc lên 145%. Tuy nhiên, ông Trump đã quyết định tạm hoãn áp thuế đối ứng trong vòng 90 ngày. Bên cạnh đó, áp lực giảm lên đồng USD càng gia tăng khi Tổng thống Trump liên tục chỉ trích cũng như gây sức ép lên Cục Dự trữ Liên bangvới ý định muốn bãi nhiệm Chủ tịch Fed.
Trong bối cảnh này, chỉ số DXY đã chạm đáy ba năm tại mức 98,3 vào ngày 21/4 (-10,2% so với đầu năm). Đến cuối tháng 4, đồng USD sụt giảm 4,8% trong tháng về mức 99,2 (-9,3% so với đầu năm).
Mặc dù DXY giảm mạnh, tỷ giá USD/VND liên ngân hàng vẫn duy trì xu hướng tăng. Tính đến cuối tháng 4, tỷ giá USD/VND tăng 1,4% so với cuối tháng trước, lên mức 25.994 VND/USD (tăng 2,1% so với đầu năm).
Tỷ giá trên thị trường tự do tăng lên mức 26.470 VND/USD, trong khi tỷ giá trung tâm niêm yết tại 24.956 VND/USD, tương ứng mức tăng lần lượt 2,8% và 2,5% so với đầu năm 2025
Theo MBS, tỷ giá tăng một phần do Kho bạc Nhà nước tiếp tục chào mua 110 triệu USD từ các ngân hàng thương mại trong tháng 4, làm hạn chế nguồn cung ngoại tệ. Bên cạnh đó, nhu cầu ngoại tệ từ doanh nghiệp tăng trong bối cảnh thương mại toàn cầu bất ổn.
Cùng với đó, việc lãi suất VND liên ngân hàng giảm sâu về mức đáy 13 tháng trong tháng 4 đã khiến chênh lệch lãi suất VND – USD đảo chiều âm mạnh, gây thêm áp lực lên tỷ giá.
Các chuyên gia MBS dự báo tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 26.000 trong năm 2025, trong bối cảnh đồng USD phục hồi từ chính sách tài khóa mở rộng, lãi suất cao và chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giátrị của đồng USD trong năm 2025.
Ngoài ra, các chính sách thuế quan khó đoán định từ phía Mỹ dự kiến sẽ tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động xuất khẩu, thu hút FDI của Việt Nam trong thời gian tới và có thể gây áp lực lên dự trữ ngoại hối – vốn đã khá khiêm tốn của Việt Nam sau khi phải bán ra hơn 9 tỷ USD vào năm ngoái.
Dù vậy, các yếu tố vĩ mô tích cực như thặng dư thương mại (3,79 tỷ USD), vốn FDI giải ngân (6,74 tỷ USD) và lượng khách quốc tế tăng mạnh (tăng 23,8% so với cùng kỳ) được kỳ vọng tiếp tục hỗ trợ cho đồng VND.