Thanh khoản tiếp tục “phá đáy” 2 tháng, bao giờ dòng tiền quay trở lại?
Diễn biến sụt giảm của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường liên tục ghi nhận diễn biến giằng co trong biên độ hẹp.
Thị trường chứng khoán vừa trải qua thêm một phiên giao dịch giằng co với thanh khoản tiếp tục phá đáy. Khối lượng khớp lệnh trên HoSE phiên 21/12 chỉ đạt gần 455 triệu cổ phiếu, giảm mạnh so với mức trung bình trước đó. Đây cũng là mức thấp nhất trong vòng 2 tháng qua, kể từ 24/10/2023.
Xét theo giá trị khớp lệnh trên HoSE đạt mức xấp xỉ 9.700 tỷ đồng, đánh dấu phiên thứ hai liên tiếp thanh khoản “nhúng” dưới 10.000 tỷ đồng. Thực tế, chuỗi ngày giao dịch sôi động trên 20.000 tỷ đồng đã qua khá lâu, mức thanh khoản bình quân hiện đã tụt dốc về quanh ngưỡng 13.000 tỷ đồng.
Diễn biến sụt giảm của thanh khoản diễn ra sau khi thị trường liên tục ghi nhận diễn biến giằng co trong biên độ hẹp. Việc chỉ số vẫn chật vật quanh mốc điểm quen thuộc 1.100 điểm mà chưa thể vượt cản một cách dứt khoát phần nào khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên chán chường.
Thêm vào đó, việc thị trường vận động theo trạng thái “cưa chân bàn” khi hồi phục đôi chút sau đó giảm sâu hơn khiến không ít nhà đầu tư thua lỗ khi tài khoản bị bào mòn từng ngày. Những nhịp “bull trap” diễn ra thường xuyên càng khiến dòng tiền không còn mặn mà mua đuổi thay vào đó là chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn trước khi quyết định hành động.
Đáng quan ngại nhất là đà bán ròng miệt mài của khối ngoại trong thời gian gần đây gây áp lực không nhỏ tới tâm lý nhà đầu tư trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài đã có 17 phiên phiên liên tiếp “xả hàng” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Xu hướng bán ròng của khối ngoại gần như đã xoá tan thành quả mua ròng trong năm 2022 và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Ngoài ra, giao dịch ảm đạm là khó tránh khỏi khi giai đoạn hiện tại rơi vào vùng trống thông tin trên thị trường. Các thông tin hỗ trợ đã phản ánh vào giá trong khi luồng thông tin mới chưa có nhiều.
Thanh khoản thấp có đáng ngại?
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam , dòng tiền thu hẹp là điều không bất ngờ ở giai đoạn cuối năm trước hiệu ứng tâm lý nghỉ ngơi đang lan rộng.
Thêm vào đó, biến động giá cổ phiếu không mạnh cũng thể hiện áp lực bán yếu. Hiệu ứng thanh khoản thấp chỉ đáng ngại nếu giá cổ phiếu giảm với biên độ rộng, phản ánh sự thiếu hụt rõ nét của bên mua.
Hiện nhà đầu tư vẫn đang chủ động chặn mua giá thấp để chờ sự thiếu kiên nhẫn hạ giá xuống của bên bán. Nếu nhà đầu tư vẫn không muốn bán rẻ, cung cầu không thể gặp nhau và thanh khoản nhỏ là bình thường.
Về yếu tố có thể kích hoạt dòng tiền nhà đầu tư quay trở lại thị trường, ông Huỳnh Hoàng Phương – Giám đốc Phân tích FIDT cho rằng nhà đầu tư đang chờ đợi những tín hiệu rõ ràng hơn về kỳ vọng kinh tế phục hồi và áp lực bán của khối ngoại giảm dần trước khi có quyết định hành động.
Do đó, chuyên gia FIDT cho rằng thời gian sắp tới, nếu lực bán từ khối ngoại giảm nhiệt và những câu chuyện xoay quanh kết quả kinh doanh quý 4 của các doanh nghiệp dần được lộ diện, nhiều khả năng các dòng tiền sẽ mạnh dạn hơn trong việc giao dịch.
Ông Phương cho rằng việc khối ngoại bán ròng vẫn cần tiếp tục theo dõi. Áp lực khối ngoại sẽ khiến chỉ số khó đi lên trong ngắn hạn, nhưng với việc thị trường đang ở vùng định giá rẻ cơ hội sẽ xuất hiện trong năm 2024 khi dòng vốn ngoại đảo chiều
Nhìn về giai đoạn cuối năm 2023, câu chuyện đang được chờ đợi nhất là việc hệ thống mới KRX liệu có kịp đi vào vận hành theo đúng kế hoạch. Hệ thống mới đóng vai trò quan trọng trong việc giúp thị trường hoàn thiện các tiêu chí để nâng hạng từ cận biên lên mới nổi. Đây cũng được kỳ vọng là yếu tố then chốt góp phần thu hút nhà đầu tư nước ngoài trong tương lai.