Số dư tiền của nhà đầu tư tại các Công ty chứng khoán tăng trở lại sau 4 quý sụt giảm liên tiếp, đạt khoảng 67.000 tỷ đồng
Quý 2/2023 là quý đầu tiên lượng tiền “nằm chờ” của nhà đầu tư tại CTCK tăng trở lại sau 4 quý liên tục trước đó sụt giảm.
Sau giai đoạn nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán Việt Nam trở lại khởi sắc trong nửa đầu năm 2023, đặc trong quý 2. Không ít phiên giao dịch ghi nhận thanh khoản cao nhất hàng chục tháng, thậm chí tổng giá trị giao dịch toàn thị trường còn chạm ngưỡng “tỷ đô”.
Sự cải thiện thanh khoản thời gian qua có đóng góp không nhỏ từ dòng tiền trở lại bởi các nhà đầu tư mới, đặc biệt là nhóm cá nhân. Theo số liệu từ Trung tâm lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD), lượng tài khoản mở mới tăng đột biến sau giai đoạn trầm lắng nhiều tháng. Tính đến cuối tháng 6, tổng số tài khoản nhà đầu tư cá nhân trong nước đã vượt mức 7,25 triệu tài khoản, tương đương khoảng hơn 7,2% dân số.
Trong bối cảnh dòng tiền trở lại thị trường chứng khoán, bên cạnh sự tăng trưởng về dư nợ margin, số dư tiền của nhà đầu tư tại các CTCK cũng ghi nhận mức tăng mạnh.
Thống kê từ các CTCK cho biết, s ố dư tiền gửi khách hàng tại các CTCK vào thời điểm cuối quý 2/2023 đạt khoảng 67.000 tỷ đồng (~2,9 tỷ USD), tăng khoảng 9.000 tỷ so với quý trước, chủ yếu là tiền gửi của nhà đầu tư giao dịch chứng khoán theo phương thức CTCK quản lý. Đây là lượng tiền đang nằm sẵn trong tài khoản nhà đầu tư và chưa thực hiện giải ngân vào thời điểm 30/6/2023.
Quý 2 năm nay là quý đầu tiên lượng tiền “nằm chờ” của nhà đầu tư tại CTCK tăng trở lại sau 4 quý liên tục trước đó sụt giảm.
Trong đó, VPS tiếp tục là CTCK có số dư tiền gửi khách hàng lớn nhất, đạt hơn 14.700 tỷ đồng, tăng gần 1.700 tỷ so với cuối quý 1 nhưng sụt giảm 2.600 tỷ so với đầu năm. VPS hiện là CTCK có thị phần môi giới lớn nhất trên ba sàn HoSE, HNX, UPCom và cả thị trường phái sinh. Do đó việc có lượng lớn tiền gửi nhà đầu tư trong tài khoản cũng là điều không quá bất ngờ.
VNDIRECT vẫn giữ vững vị trí số 2 về dư tiền gửi khách hàng với gần 6.000 tỷ đồng. Xếp tiếp theo lần lượt là SSI (4.600 tỷ đồng), TCBS (4.400 tỷ), VCBS (3.500 tỷ đồng), MBS (3.300 tỷ đồng)…
Thực tế, lãi suất huy động giảm đã giúp thị trường chứng khoán dần trở nên hấp dẫn hơn một cách tương đối. Các biện pháp hỗ trợ nền kinh tế với chính tài khóa mở rộng và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ hơn nữa. Đặc biệt, lãi suất cho vay hạ nhiệt cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên chi phí vốn của các công ty chứng khoán, qua đó giúp mở ra dư địa để giảm lãi suất cho vay margin. Điều này có thể kích thích nhu cầu sử dụng đòn bẩy của nhà đầu tư tăng trở lại, giúp dòng tiền hào hứng gia nhập thị trường hơn.
SGI Capital trong một báo cáo gần đây cho rằng thanh khoản của thị trường chứng khoán sẽ duy trì ở mặt bằng mới và có thể tiếp tục cải thiện do tiền nhàn rỗi phân bổ vào thị trường khi lãi suất tiền gửi đã hạ trung bình 2-3% và có thể hạ thêm do tín dụng yếu.
Trong khi đó, dư nợ margin của các công ty chứng khoán bắt đầu tăng nhanh hơn chỉ số dù chưa tới mức cảnh báo. Theo SGI Capital, tỷ lệ margin có thể sẽ tăng khi dòng tiền mới tự tin về xu hướng lãi suất giảm.
Không thể phủ nhận chứng khoán đang dần trở thành một kênh đầu tư ngày càng phổ biến trong dân số. Triển vọng lạc quan trong dài hạn của thị trường được kỳ vọng sẽ thu hút thêm dòng tiền từ các nhà đầu tư mới trong tương lai.