Quỹ đất lớn duy nhất còn sót lại ở Hà Nội, rộng bằng 8 quận nội thành, có nơi cách hồ Gươm chỉ vài phút đi xe
Đồ án phân khu đô thị sông Hồng được cho là cơ hội để Hà Nội tận dụng quỹ đất có giá trị cao, rộng đến 11.000 ha, trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở.
Trái ngược với cảnh sầm uất của trung tâm Hà Nội, nơi những căn nhà được rao bán vài trăm triệu đến cả tỷ đồng mỗi m2, nhiều nơi quỹ đất gần như không còn, khó phát triển không gian đô thị thì quỹ đất ven sông Hồng từ lâu được chính quyền và nhiều doanh nghiệp nhắm đến để có thể mở rộng không gian cho Hà Nội.
Được biết, sông Hồng chảy qua Hà Nội để lại nhiều bãi giữa, hay còn gọi bãi nổi, bồi có diện tích rộng lớn, vị trí và cảnh quan đẹp. Để tận dụng quỹ đất lớn có giá trị cao, vào cuối tháng 3 năm 2022 thành phố Hà Nội đã phê duyệt Đồ án quy hoạch chung đô thị sông Hồng tỷ lệ 1/5.000.
Theo quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng thuộc địa giới hành chính của 55 phường, xã thuộc 13 quận, huyện, trải dài 40 km từ cầu Hồng Hà đến cầu Mễ Sở. Phân khu quy hoạch có diện tích gần 11.000 ha, rộng bằng tổng diện tích 8 quận: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ, Cầu Giấy, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân, Nam Từ Liêm cộng lại. Trong đó sông Hồng chiếm 3.600 ha (33%), đất bãi sông hơn 5.400 ha (50%). Phần diện tích còn lại là khu vực đã xây dựng gồm làng xóm có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời như xã Bát Tràng, Văn Khê, Tráng Việt; các khu phố ngoài đê, các công trình hạ tầng xã hội, kỹ thuật…Bản đồ vị trí các bãi sông Hồng trong khu vực quy hoạch.
Dự báo quy mô dân số tối đa tại khu vực này đến năm 2030 khoảng 300.000. Trong đó, dân số hiện có giữ lại cải tạo chỉnh trang là 215.000, dân số đất nhóm nhà ở mới là 85.000. Phân khu đô thị sông Hồng được định hướng chức năng chính là không gian thoát lũ sông Hồng đoạn qua khu vực đô thị trung tâm. Đồng thời, đây được cho là cơ hội để Hà Nội tận dụng quỹ đất lớn có giá trị cao, như “mỏ vàng” để thành phố tạo dựng không gian xanh, công cộng một cách chủ động.
Thực tế, việc quy hoạch hai bờ sông Hồng đã được đề cập nhiều lần, từ hàng chục năm về trước, đã có nhiều đề án liên quan đến quy hoạch đô thị sông Hồng được nghiên cứu, đề xuất nhưng đều chưa thành hiện thực. Điển hình như vào năm 1994, dự án Trấn Sông Hồng (còn gọi Sông Hồng City) được nhà đầu tư Singapore đề xuất xây dựng tại một mảnh đất ngoài đê khu vực An Dương, tổng vốn đầu tư dự kiến khi đó là 240 tỷ đồng. Tuy nhiên, do có một số vướng mắc, đặc biệt là vấn đề trị thủy nên dự án chưa triển khai được.
Sau đó, đến giữa năm 2006 lãnh đạo Hà Nội và thị trưởng Seoul (Hàn Quốc) đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo và phát triển hai bên bờ sông Hồng. Sau một năm, đồ án quy hoạch thành phố hai bên sông Hồng chính thức được giới thiệu đến công chúng. Theo tính toán của đơn vị tư vấn, dự án chia theo 4 khu vực với tổng diện tích 1.500 ha, tổng vốn đầu tư hơn 7,1 tỷ USD, triển khai từ năm 2008 – 2020. Nhưng đến năm 2008, dự án dừng triển khai.