Ngỡ ngàng: Nửa tỷ USD tiền ngoại đã rút khỏi sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2025

Ngỡ ngàng: Nửa tỷ USD tiền ngoại đã rút khỏi sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2025

Trong 26 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng trong 3 tháng.

Thị trường chứng khoán Việt Nam đang chịu áp lực rất lớn từ khối ngoại khi liên tục bán ròng mạnh tay trên diện rộng, mức độ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và cường độ vẫn dồn dập. Tính từ đầu năm 2025 đến hết phiên 17/2, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ 13.600 tỷ đồng, tương ứng giá trị hơn nửa tỷ USD.

Ngỡ ngàng: Nửa tỷ USD tiền ngoại đã rút khỏi sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2025- Ảnh 1.

Nhìn rộng ra, trong 26 tháng trở lại đây, khối ngoại chỉ tạm dừng xả hàng trong tháng 1, 3/2023 và tháng 1/2024. Giá trị bán ròng của khối ngoại trên thị trường chứng khoán Việt Nam kể từ đầu năm 2023 tới hiện tại đã vượt mức 130.600 tỷ đồng, đồng nghĩa khoảng 5,1 tỷ USD vốn ngoại đã bị rút ra khỏi sàn chứng khoán Việt.

Trong giai đoạn đầu năm 2025, ngay cả cái tên rất “hot” trong mắt nhà đầu tư nước ngoài là FPT cũng bị xả triền miên với khối lượng lớn. Sau chưa đầy 2 tháng, cổ phiếu này bị bán ròng 2.200 tỷ đồng, dẫn đầu toàn sàn. Áp lực bán mạnh kéo tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu công nghệ này giảm xuống mức 44,6%, thấp nhất trong nhiều năm qua. Đây cũng là quãng “hở” room dài nhất trong nhiều năm trở lại đây của cổ phiếu ông lớn ngành công nghệ này.

Theo sau trong danh sách bán ròng là cổ phiếu VIC. Mã này bị bán ròng xấp xỉ 2.000 tỷ, chủ yếu thực hiện trên kênh thoả thuận với tâm điểm tại phiên 16/1 gần 50,8 triệu cổ phiếu, tương đương giá trị gần 2.100 tỷ đồng. Hai cổ phiếu cũng bị bán ròng nghìn tỷ từ đầu năm là VNM (1.488 tỷ) và MWG (1.166 tỷ đồng). Bên cạnh đó, khối ngoại cũng mạnh tay “xả” hàng tại STB, MSN, SSI, FRT…

Ở chiều ngược lại, hai mã thu hút được dòng tiền ngoại chảy vào là VGC với 416 tỷ đồng và HDB với 343 tỷ đồng.

Ngỡ ngàng: Nửa tỷ USD tiền ngoại đã rút khỏi sàn chứng khoán Việt Nam từ đầu năm 2025- Ảnh 2.

Xu hướng “xả hàng” miệt mài cho thấy sự thận trọng của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa được cải thiện. Hiện tại, câu chuyện tỷ giá là một trong những yếu tố có khả năng ảnh hưởng đáng kể nhất đến dòng vốn ngoại. Việc VND mất giá so với USD tác động đến hiệu suất của các quỹ ngoại, làm hạn chế khả năng hút vốn, đồng thời dòng tiền cũng rút ra khỏi những thị trường cận biên như Việt Nam.

Đặc biệt, dòng vốn đầu tư vào các thị trường tài chính có thể tiếp tục chịu áp lực do kỳ vọng về tốc độ cắt giảm lãi suất chậm hơn dự báo từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Bên cạnh đó, những diễn biến khó lường trong chính sách kinh tế và thương mại của Hoa Kỳ dưới nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump cũng làm gia tăng tâm lý thận trọng của các nhà đầu tư.

Không những vậy, việc thiếu cơ hội đầu tư dài hạn đủ hấp dẫn do thiếu hàng hoá chất lượng là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà với chứng khoán Việt Nam. Số lượng doanh nghiệp mới lên sàn rất ít, những cái tên thực sự đáng chú ý lại càng khan hiếm. Hoạt động đấu giá cũng diễn ra ảm đạm. Điều này làm thu hẹp lựa chọn của dòng vốn ngoại.

Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán SSI cho rằng dòng vốn từ các Quỹ đầu tư vào thị trường Việt Nam sẽ vẫn chịu nhiều yếu tố tác động trái chiều trong năm 2025. Theo đó, dòng vốn sẽ bị hạn chế bởi kỳ vọng tốc độ hạ lãi suất chậm của Fed và áp lực tỷ giá, chính sách khó đoán định dưới nhiệm kỳ Tổng thống Trump hoặc tiềm ẩn suy thoái kinh tế, hay số lượng các cổ phiếu ở các nhóm ngành thu hút dòng tiền như công nghệ khá hạn chế.

Dù vậy, SSI chỉ ra điểm tích cực là tỷ lệ sở hữu của NĐTNN tại thị trường Việt Nam đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015 giúp cho việc rút ròng có thể được hạn chế. Theo thống kê, tỷ lệ sở hữu của khối ngoại theo vốn hóa toàn thị trường hiện chỉ còn khoảng 16%.

SSI kỳ vọng việc NĐT nước ngoài quay lại thị trường Việt Nam trong năm 2025 sẽ đến từ câu chuyện nâng hạng lên thị trường mới nổi của FTSE Russell. Các chính sách bước đệm như triển khai hệ thống giao dịch KRX, việc áp dụng Luật Chứng khoán sửa đổi và Nghị định 155/2020 sửa đổi sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển thị trường vốn trong trung và dài hạn.

Bài viết liên quan

19/02/2025 Thế giới Di động lại bị khối ngoại “ngó lơ”, cổ phiếu rơi về đáy 10 tháng sau động thái nghìn tỷ của doanh nghiệp

Áp lực bán ra đẩy thị giá MWG giảm sâu, room ngoại “hở” hơn 4%. Hơn chục phiên trở lại đây ghi nhận động thái “xả” hàng dồn dập của nhà đầu tư nước ngoài tại cổ phiếu Đầu tư Thế giới Di động (MWG), giá trị nhiều phiên lên tới hàng trăm tỷ đồng. […]

Xem thêm
18/02/2025 Xây dựng tuyến đường từ sân bay Gia Bình (Bắc Ninh) về trung tâm TP. Hà Nội, nghiên cứu xây thêm tuyến metro để kết nối

Văn phòng UBND thành phố Hà Nội ban hành thông báo về kết luận của Phó chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn về phương án xây dựng tuyến đường nối sân bay Gia Bình (tỉnh Bắc Ninh) với thủ đô Hà Nội. Vị trí sẽ xây dựng sân bay Gia Bình. Theo đó, […]

Xem thêm
17/02/2025 Đất nông nghiệp bị biến tướng theo trào lưu pickleball

Thời gian qua, thông tin hàng loạt khu đất vốn là đất nông nghiệp, đất dự án bỏ hoang, kho bãi… bị san lấp, cải tạo trái phép trở thành các cụm sân pickleball được dư luận quan tâm. Sân pickleball là loại hình công trình thể thao ngoài trời. Việc xây dựng phải có […]

Xem thêm
17/02/2025 Loạt cổ phiếu mà bán chỉ vàng không đủ đi 1 lệnh: Nhiều mã tăng nóng từ đầu năm, đại diện tỷ USD vốn hóa cũng góp mặt

Với những mã cổ phiếu “đắt đỏ” nhất sàn chứng khoán, nhà đầu tư thậm chí có thể phải bỏ ra khoảng 3 – 4 chỉ vàng mới đủ đi 1 lệnh. Thị trường chứng khoán Việt Nam trải qua thời gian dài gần như lặng sóng nhưng nhiều cổ phiếu vẫn âm thầm đi […]

Xem thêm
14/02/2025 ‘Cú nổ’ của xe đạp Thống Nhất: Cổ phiếu đột ngột tăng gần 180% trong 6 ngày sau thời gian dài ‘bất động’

Xe đạp Thống Nhất là thương hiệu Việt nổi danh những năm 80-90 của thế kỷ trước, cùng với những cái tên quen thuộc như kem đánh răng Dạ Lan, xà bông Cô Ba, cao su Sao Vàng, mì Miliket, thuốc lá Thăng Long, Vinataba… Cổ phiếu Thống Nhất Hà Nội tăng 177,5% trong vòng […]

Xem thêm
13/02/2025 Ba cổ phiếu thuộc các lĩnh vực “hot” của Việt Nam lọt rổ chỉ số cận biên lớn nhất MSCI

Không cổ phiếu Việt nào bị loại khỏi rổ chỉ số cận biên của MSCI trong kỳ review này. MSCI vừa công bố danh sách review tháng 2/2025 với bộ chỉ số quan trọng nhất của thị trường cận biên MSCI Frontier Markets Index. Theo đó, MSCI Frontier Market Index bổ sung tổng cộng 13 mã cổ […]

Xem thêm