Ngân hàng Nhà nước dồn dập ra Thông tư
Chỉ trong hai ngày làm việc, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 5 Thông tư với những quy định mới đáng chú ý.
Cụ thể, ngày 28/12, NHNN đã ban hành Thông tư 19/2023/TT-NHNN Quy định về giám sát tiêu huỷ tiền của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 11/02/2024.
Theo đó, Việc giám sát tiêu hủy tiền được thực hiện tại các địa điểm, cơ sở tiêu hủy của NHNN hoặc do Thống đốc NHNN quyết định.
Việc giám sát tiêu hủy tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông được thực hiện ở các khâu kiểm đếm chọn mẫu trước khi tổ chức tiêu hủy, kiểm đếm tiền tiêu hủy và cắt hủy (hoặc nấu hủy) hoàn toàn tiền tiêu hủy thành phế liệu.
Việc giám sát tiêu hủy tiền in, đúc hỏng được thực hiện ở các khâu giao, nhận tiền in, đúc hỏng giữa cơ sở in, đúc tiền với Hội đồng tiêu hủy tại thời điểm giao nhận, kiểm đếm tiền in, đúc hỏng và cắt hủy (dập hủy định dạng hoặc nung chảy) hoàn toàn tiền in, đúc hỏng thành phế liệu.
Ngày 29/12/2023, NHNN ban hành 4 Thông tư. Trong đó, Thông tư 20/2023/TT-NHNN Quy định danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và thời hạn mà người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng sau khi thôi chức vụ. Thông tư này có hiệu lực từ 12/02/2024.
Thông tư nêu rõ, các lĩnh vực người có chức vụ, quyền hạn không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ chức tín dụng thuộc lĩnh vực trước đây mình có trách nhiệm quản lý sau khi thôi giữ chức vụ
Thông tư 21/2023/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến hoạt động kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Thông tư có hiệu lực từ 01/07/2024.
Thông tư có 6 Điều, trong đó có 4 Điều (từ Điều 1 – 4) quy định rõ về việc sửa đổi, bổ sung của các Thông tư số: 36/2012/TT-NHNN; 03/2014/TT-NHNN; 12/2022/TT-NHNN và thay thế các mẫu biểu trong các chế độ báo cáo. Điều 5 và 6 quy định về trách nhiệm tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành.
Thông tư 22/2023/TT-NHNN Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 01/07/2024.
Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về hệ số rủi ro tín dụng.
Đối với khoản phải đòi là khoản vay cho cá nhân phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, hệ số rủi ro tín dụng là 50%.
Đối với tài sản là tiền mặt, vàng và các khoản tương đương tiền mặt của ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, hệ số rủi ro tín dụng là 0%.
Đối với tài sản là khoản phải đòi Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các ngân hàng chính sách, hệ số rủi ro tín dụng là 0%. Đối với khoản phải đòi Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), Công ty trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam (DATC), hệ số rủi ro là 20%.
Đối với tài sản là khoản phải đòi tổ chức tài chính quốc tế, hệ số rủi ro tín dụng là 0%.
Ngoài ra, Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung hệ số rủi ro đối với các khoản vay đảm bảo bằng tài sản bất động sản.
Thông tư cũng sửa đổi, bổ sung: Tiền mặt, giấy tờ có giá, thẻ tiết kiệm do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành; Vàng (vàng vật chất, vàng tiêu chuẩn, vàng trang sức với giá trị được chuyển đổi giá trị sang vàng 99.99); Giấy tờ có giá do Chính phủ Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố, các ngân hàng chính sách phát hành hoặc bảo lãnh thanh toán… là những loại tài sản bảo đảm giảm thiểu rủi ro tín dụng tại ngân hàng.
Thông tư 23/2023/TT-NHNN Quy định tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền và xe chở tiền của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Thông tư có hiệu lực từ 12/02/2024.
Thông tư gồm 04 chương, 13 điều và có nội dung chính quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật kho tiền, xe chở tiền, trách nhiệm của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài,…Các TCTD căn cứ vào khả năng thực tế, yêu cầu về bảo quản tiền, tài sản quý, giấy tờ có giá để quy định, hướng dẫn trong hệ thống về: diện tích, cách bố trí kho tiền; tiêu chuẩn kho tiền, hệ thống thiết bị kho tiền PGD; về thời gian lưu trữ dữ liệu camera; về phương tiện vận chuyển khác ngoài xe chở tiền; quy định việc quản lý, sử dụng, vận hành các hệ thống thiết bị; nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật về xây dựng kho tiền và trang bị các hệ thống thiết bị, phương tiện vận chuyển trong hệ thống và chịu trách nhiệm đảm bảo an toàn tiền, tài sản.