Ngân hàng đảo nợ hàng chục nghìn tỷ đồng trái phiếu?
Nhiều ngân hàng đẩy mạnh mua lại trước hạn trái phiếu cũ, đồng thời phát hành lượng lớn trái phiếu mới.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) mới đây cho biết sẽ mua lại trước hạn 4 lô trái phiếu, gồm ACBH2124005, ACBH2124006, ACBH2124011 và ACBH2124012 với tổng mệnh giá lên tới 10.000 tỷ đồng. Thời gian mua lại 4 lô trái phiếu này lần lượt vào các ngày 22/6, 23/6, 8/7 và 15/7. Nguồn vốn để thực hiện mua lại đến từ nguồn thu từ các khoản cho vay VND trung dài hạn hoặc các nguồn cho vay/đầu tư đến hạn khác hoặc các nguồn vốn hợp pháp khác đến hạn vào thời điểm mua lại trái phiếu.
Ở chiều ngược lại, Hội đồng quản trị ACB cũng vừa thông qua phương án phát hành trái phiếu riêng lẻ lần 1 năm 2023 với tổng quy mô lên tới 20.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, không có tài sản và không phải là nợ thứ cấp của ACB. Trái phiếu có kỳ hạn tối đa 5 năm và có lãi suất cố định suốt thời hạn.
Ngân hàng OCB mới đây đã thông qua kế hoạch chào bán và phát hành riêng lẻ tối đa 26.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2023.
Trước đó, OCB đã đã mua lại trước hạn lô trái phiếu có tổng mệnh giá 1.000 tỷ đồng trong tháng 7 và mua lại 5.500 tỷ đồng trái phiếu trong 2 quý đầu năm.
HDBank dự kiến mua lại trước hạn 1.000 tỷ đồng trái phiếu phát hành năm 2022 , sau khi phát hành thành công lô trái phiếu 500 tỷ đồng vào ngày 21/7. Trước đó, ngân hàng này cũng đã phát hành riêng lẻ thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu trong tháng 6 và mua lại trước hạn 1.500 tỷ đồng trái phiếu 7 năm phát hành vào năm 2021.
Tại VietinBank, ngân hàng này đã phê duyệt phương án phát hành trái phiếu tăng vốn cấp 2 (trái phiếu thứ cấp) theo hình thức riêng lẻ năm 2023, với quy mô tối đa là 16.000 tỷ đồng theo 30 đợt từ quý II – quý IV/2023. Ở chiều ngược lại, VietinBank thông báo mua lại trước hạn hơn 2.435 tỷ đồng trái phiếu vào ngày 29/6.
BIDV cũng đã thông qua phương án phát hành tối đa 8.100 tỷ trái phiếu tăng vốn cấp 2, theo hình thức phát hành riêng lẻ trong giai đoạn 1 (từ tháng 6/2023 đến hết quý 3/2023). Trong khi đó, ngân hàng này đã tiến hành mua lại gần 4.800 tỷ trái phiếu trong quý 2/2023.
Vì sao ngân hàng tích cực mua lại, đồng thời với phát hành mới trái phiếu?
Việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài (cùng một số điều kiện khác) là một cách phổ biến để ngân hàng tăng vốn cấp 2, từ đó cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đáp ứng chuẩn mực về quản trị rủi ro theo Basel II. Bên cạnh đó, việc phát hành trái phiếu kỳ hạn dài cũng giúp ngân hàng cân đối tốt hơn cơ cấu kỳ hạn nguồn vốn, nhất là trong bối cảnh quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn tối đa vừa được điều chỉnh từ 34% xuống 30% từ ngày 1/10/2023.
Tuy nhiên, theo quy định hiện nay, những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá. Chính vì vậy, các ngân hàng sẽ tìm cách mua lại trước hạn các trái phiếu này để có dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm, nhằm tăng giá trị được tính vào vốn tự có cấp 2 nhiều hơn.
Nói một cách khác, việc mua lại trước hạn các trái phiếu để đảm bảo đủ điều kiện cho kế hoạch phát hành mới là cách mà các ngân hàng tái cơ cấu lại kỳ hạn của trái phiếu theo hướng dài hơn, nhằm duy trì hệ số an toàn vốn luôn ở mức cao, cũng như đảm bảo cho các hệ số khác như tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn.
Bên cạnh yếu tố kỳ hạn của trái phiếu, theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, ngân hàng thực hiện đảo nợ trái phiếu cho chính mình cũng nhằm tối ưu hóa chi phí vốn. “Trước đó, một số ngân hàng phải huy động trái phiếu trong giai đoạn lãi suất ở mức cao. Hiện nay, khi mặt bằng lãi suất thị trường đã giảm, họ sẽ mua lại trái phiếu cũ và thay thế bằng trái phiếu mới có lãi suất phát hành thấp hơn để tiết giảm chi phí vốn”, ông Hiếu nhận định.
Trong khi đó, Chứng khoán VnDirect cho rằng, nhu cầu tín dụng yếu trong những tháng đầu năm cùng với mặt bằng lãi suất huy động đã giảm mạnh và thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào là điều kiện và động lực để các ngân hàng thực hiện mua lại trước hạn các lô trái phiếu phát hành riêng lẻ của mình.
Theo số liệu tổng hợp của công ty chứng khoán này trong quý 2, nhóm ngân hàng mua lại tổng cộng 39.842 tỷ đổng trái phiếu trước hạn, chiếm 63,7% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn của toàn thị trường. Trước đó, nhóm này chỉ mua lại trước hạn 330 tỷ đồng trái phiếu trong quý 1.