“Mỗi tỉnh thành có một Becamex”: Gọi tên các “ông trùm” tại Đồng Nai, Tp.Hồ Chí Minh và Khánh Hoà
Theo Thủ tướng, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
” Mỗi bộ, ngành có một Viettel. Mỗi tỉnh, thành có một Becamex ” – Đây là kỳ vọng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ làm việc với doanh nghiệp nhà nước vừa qua. Theo Thủ tướng, Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
Becamex mà Thủ tướng Chính phủ nhắc tới tại Hội nghị có tên đầy đủ là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex IDC) đang niêm yết trên sàn chứng khoán với mã chứng khoán BCM, trụ sở tại tỉnh Bình Dương.
“Tấm gương” Becamex IDC: Ông trùm BĐS khu công nghiệp miền nam
Becamex IDC tiền thân là Công ty Thương nghiệp Tổng hợp Bến Cát (Becamex), được thành lập năm 1976 với chức năng chủ yếu là thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản, phân phối hàng tiêu dùng.
Chuyển sang mô hình Tổng công ty vào năm 2010 và cổ phần hóa năm 2018, niêm yết trên HOSE năm 2020, sau gần 50 năm phát triển, đến nay Becamex IDC đã trở thành Nhà phát triển Bất động sản Công nghiệp và Đô thị hàng đầu Việt Nam với 23 công ty thành viên hoạt động trong các lĩnh vực: xây dựng, thương mại, bất động sản, dịch vụ, viễn thông – công nghệ thông tin, sản xuất bê tông, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản, điện, cảng, y tế và giáo dục.
Phát triển khu công nghiệp là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Becamex IDC với mạng lưới khu công nghiệp và đô thị tích hợp trên khắp Bình Dương và cả nước, trải dài từ Bắc vào Nam với những cái tên nổi tiếng như KDC Mỹ Phước, KDC Thới Hòa, KDC Bàu Bàng (Thị xã Bến Cát), KDC VietSing (Tp. Thuận An) tại TP. Thủ Dầu Một….
Đi cùng phát triển KCN, Becamex IDC đầu tư phát triển các khu đô thị, khu dân cư có quy hoạch đồng bộ liền kề các khu công nghiệp, khách sạn, nhà hàng, trung tâm thương mại,… nhằm góp phần đổi mới diện mạo đô thị, đáp ứng nhu cầu nhà ở, nơi làm việc và cung cấp các tiện ích.
Bên cạnh đó, Becamex IDC đã đầu tư và vận hành Trường Đại học Quốc tế miền Đông (EIU) từ 3/10/2011 nhằm cung cấp lực lượng lao động sẵn sàng trong tương lai cho Bình Dương và khu vực, vận hành Bệnh viện Mỹ Phước và Bệnh viện đa khoa Quốc tế Becamex với quy mô mỗi bệnh viện hơn 1.000 giường.
Đây cũng là đơn vị cung cấp dịch vụ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với các dịch vụ 1 cửa, hải quan tại chỗ, an ninh… tại tỉnh Bình Dương.
Tính đến cuối quý 1/2024, vốn điều lệ của Becamex IDC là 10.350 tỷ đồng, tổng tài sản là 54.069 tỷ đồng. Năm 2023, kết quả hợp nhất đạt 7.883 tỷ đồng doanh thu thuần và 2.280 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế hợp nhất, tăng lần lượt 20% và 32% so với năm 2022.
Một động lực cho cổ phiếu BCM trên sàn chứng khoán trong thời gian gần đây là việc Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định phê duyệt giảm vốn nhà nước (do Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương sở hữu) tại Becamex IDC từ 95,44% về 65% đến cuối năm 2025. Trong vòng 3 tháng, cổ phiếu đã tăng hơn 22%.
Với kỳ vọng “Mỗi tỉnh thành có 1 Becamex” của Thủ tướng Chính phủ, một số cái tên tại các tỉnh, thành với mô hình và vị thế có thể ví với Becamex IDC là Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi) tại Đồng Nai, Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TP.HCM (HFIC) tại Tp.HCM hay Tổng Công ty Khánh Việt (Khatoco) tại Khánh Hoà.
Tổng CTCP Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi, mã chứng khoán SNZ)
Sonadezi có vốn điều lệ là 3.765 tỷ đồng, trong đó UBND tỉnh Đồng Nai sở hữu 99,54%.
Tiền thân của Sonadezi là Công ty Phát triển Khu công nghiệp Biên Hòa với ngành nghề kinh doanh ban đầu là phát triển và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp tại tỉnh Đồng Nai, thành lập năm 1990.
Trong giai đoạn đầu thành lập, Sonadezi tạo dấu ấn với Dự án đầu tư xây dựng KCN Biên Hòa 2 (365 ha), là một trong những khu công nghiệp hình thành sớm nhất trong thời kỳ mở cửa thu hút đầu tư của tỉnh Đồng Nai. Sau đó, KCN Gò Dầu (182,4 ha), là khu công nghiệp duy nhất có hệ thống cảng nội khu hoàn chỉnh với công suất đến 30.000 DWT.
Ngoài ra, Sonadezi tham gia dự án liên doanh với Tập đoàn Bangpakong Thái Lan để phát triển KCN Amata Việt Nam giai đoạn 1 (130 ha).
Năm 2000, Sonadezi bước vào giai đoạn phát triển vượt bậc với các dự án như Dự án đầu tư xây dựng KCN – Đô thị Long Thành (488 ha), là mô hình mới của khu công nghiệp kết hợp với các khu dân cư và ký túc xá công nhân; Dự án đầu tư xây dựng KCN Xuân Lộc (108 ha) là khu công nghiệp miền núi thuộc địa bàn xa xôi và khó khăn; Dự án Khu dân cư Trảng Bom (10 ha), khu dân cư Tam An 1 và Tam An 2 (65 ha), khu dân cư Phước Lai (01 ha).
Năm 2010, khi chuyển thành Tổng công ty, Sonadezi đã gây dấu ấn với các KCN mới như KCN – đô thị Châu Đức (2.287 ha tại tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu), KCN Giang Điền (529,2 ha)…