Lãi suất thấp kỷ lục, vì sao người dân và doanh nghiệp vẫn gửi gần 12,7 triệu tỷ vào ngân hàng?
Tính đến cuối tháng 9, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.
Theo số liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, lượng tiền gửi của dân cư tại các tổ chức tín dụng đã tăng thêm 15.935 tỷ đồng trong tháng 9, lên mức kỷ lục hơn 6,449 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp 11 lần cùng kỳ năm 2022 nhưng là tháng tăng thấp thứ hai trong 9 tháng đầu năm (chỉ cao hơn tháng 7 – tăng 6.707 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của dân cư đã tăng tổng cộng 583.494 tỷ đồng, tương đương 9,95%. Đây là mức tăng trưởng tiền gửi 9 tháng cao nhất kể từ năm 2018.
Trong khi tăng trưởng tiền gửi của dân cư chậm lại trong tháng 9 thì tiền gửi của các tổ chức kinh tế lại tăng mạnh 217.353 tỷ đồng, lên gần 6,232 triệu tỷ đồng. Mức tăng này cao gấp đôi cùng kỳ năm 2022 và tháng tăng mạnh thứ hai trong 9 tháng đầu năm 2023 (chỉ thấp hơn tháng 6 – tăng 235.438 tỷ đồng).
So với cuối năm 2022, lượng tiền gửi của khối doanh nghiệp đã tăng 276.856 tỷ đồng, tương đương 4,65%, cao gấp đôi tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022.
Tổng cộng, tiền gửi của dân cư và các tổ chức kinh tế tại hệ thống ngân hàng đến hết quý III đạt 12,68 triệu tỷ đồng, tăng gần 7,28% so với đầu năm và là mức tiền gửi cao nhất lịch sử ngành ngân hàng.