Lãi suất gửi tiết kiệm chỉ còn 1,9%/năm, vì sao tiền vẫn không đổ vào bất động sản?
Theo ghi nhận mới đây, lãi suất gửi tiết kiệm tại một ngân hàng thương mại nhà nước giảm chỉ còn 1,9%/năm. Đây cũng là mức lãi suất thấp nhất trên thị trường ở thời điểm hiện tại. Liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy các nhà băng đang “thừa tiền”?
Trong biểu lãi suất áp dụng mới đây tại Vietcombank, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm. Như vậy, lãi suất tiền gửi đã xuất hiện đáy mới cho các khoản tiền tiết kiệm có kỳ hạn.
Trước đó, nhiều ngân hàng cũng đã tiếp tục giảm lãi suất tiết kiệm thêm 0,1 – 0,8%/năm so với mức huy động trước đó. Đơn cử như Ngân hàng Agribank đã giảm lãi suất huy động tiết kiệm từ 0,5 – 0,8%/năm. Cụ thể, lãi huy động kỳ hạn 1 – 2 tháng còn 2,2%/năm. ACB giảm lãi suất từ 0,2 – 0,3%/năm ở những kỳ hạn ngắn. Lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng còn 3%. LPBank giảm lãi suất 0,1 – 0,3%/năm ở các kỳ hạn. Lãi suất huy động 1 – 2 tháng còn 2,7%/năm.
Nhận định về xu hướng giảm lãi suất huy động, TS. Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Lãi suất huy động ngắn hạn giảm sâu khiến người ta tưởng ngân hàng thừa tiền. Và cũng từ ấn tượng này, người ta suy diễn lãi suất cho vay cũng sẽ giảm. Đáng lo hơn, một số người lại điều hướng thành: Lãi suất cho vay giảm, lãi suất tiết kiệm giảm thì dòng tiền sẽ đổ vào bất động sản hay đầu tư bất động sản thời điểm này là tốt”.
Theo ông Hiển phân tích: “Thực tế, việc lãi suất tiết kiệm trong ngắn hạn giảm là hợp lý. Sau nhiều năm điều hành lãi suất chưa hợp lý, các ngân hàng đang từng bước đưa lãi suất về kỳ hạn hợp lý, theo đường cong lãi suất”.
Vị chuyên gia này nói thêm: Ở giai đoạn 2011-2012, các ngân hàng từng nâng lãi suất huy động và cho vay tăng liên tục. Điều này buộc Ngân hàng Nhà nước phải điều hành đưa ra mức trần khống chế và không cho các ngân hàng tự ý nâng lãi suất huy động cạnh tranh nhau theo hướng không lành mạnh. Thậm chí, việc nâng lãi suất tăng liên tục cũng từng xảy ra trong thời điểm năm 2022. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đã có điều chỉnh kịp thời.
Quay trở lại câu chuyện “tồn kho tiền” của ngân hàng, ông Hiển nhấn mạnh: “Không thể đánh đồng lãi suất huy động kỳ hạn 1 tháng giảm sâu là do ngân hàng thừa tiền. Tình trạng ngân hàng thừa tiền hay không cần phải nhìn vào lãi suất huy động dài hạn từ 12-36 tháng. Nếu lãi suất ngân hàng từ 12-36 tháng bị giảm thì mới có thêm một cơ sở để đưa ra nhận định khối nhà băng thừa tiền. Nhưng nói đúng hơn đối với hiện tại, chính là ngân hàng không cần huy động tiền bằng mọi cách như trước”.
Trước câu hỏi “lãi suất tiết kiệm giảm có tác động đến sự dịch chuyển của dòng tiền đầu tư”, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng: “Chúng ta đã từng sống trong giai đoạn kì hạn lãi suất 1 tháng, 3 tháng, hay 5 tháng cao và quen với điều đó. Chúng ta coi lãi suất gửi tiết kiệm là kênh đầu tư. Nhưng, đúng ra, lãi suất gửi tiết kiệm kỳ hạn trên 12 tháng mới được coi là kênh đầu tư. Thế nên không thể căn cứ vào việc giảm lãi suất huy động 1 tháng mà cho rằng, gửi tiết kiệm không còn là kênh đầu tư. Mà chúng ta phải căn cứ vào lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng, 24 tháng, 36 tháng”.
Cũng theo ông Hiển, dòng tiền chuyển từ tiết kiệm đổ vào chứng khoán không phụ thuộc vào lãi suất ngân hàng. Trong khi đó, bất động sản hiện đang gặp khó khăn, không có nhà đầu tư lướt sóng. Thế nên tiền cũng sẽ không chảy vào bất động sản như kỳ vọng hay đổ vào chứng khoán.