Kỳ vọng ở lại sàn HoSE, cổ phiếu Vietnam Airlines tăng kịch trần với thanh khoản bùng nổ
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định”.
Trong phiên thị trường giao dịch đầy hứng khởi, cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trở thành điểm nhấn khi tăng “kịch trần” lên 13.100 đồng/cp – mức giá cao nhất của cổ phiếu này trong 3 tháng qua.
Đáng chú ý, thanh khoản của HVN cũng nhanh chóng bùng nổ với gần 3 triệu cổ phiếu được sang tay, cao hơn gấp nhiều lần so với mức bình quân khoảng 100.000 – 300.000 đơn vị/phiên. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất của cổ phiếu này trong 5 tháng vừa qua.
Cổ phiếu HVN được “mở đường” ở lại sàn HOSE theo trường hợp đặc biệt
Cổ phiếu hàng không này “cất cánh” trước kỳ vọng Vietnam Airlines có cơ hội ở lại sàn HOSE.
Trong dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán, khoản mục hủy niêm yết bắt buộc đã được bổ sung điều Khoản 7, quy định “Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định“.
Điều khoản dự thảo bổ sung này được kỳ vọng sẽ giúp cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) tiếp tục duy trì niêm yết trên sàn HOSE. Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, thời gian đăng tải lấy ý kiến đến ngày 05/01/2024.
Doanh nghiệp hàng không này đang đứng trước nguy cơ rời sàn niêm yết lớn nhất Việt Nam do đã lỗ ba năm liên tiếp (2020-2022) và âm vốn chủ sở hữu, thuộc diện hủy niêm yết bắt buộc đối với toàn bộ hơn 2,2 tỷ cổ phiếu HVN.
Cụ thể, trên báo cáo tài chính kiểm toán 2022, Vietnam Airlines lỗ thêm hơn 11.200 tỷ đồng, qua đó nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm lên trên 35.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng.
Vietnam Airlines ước doanh thu 2023 tăng 30%, cổ phiếu thoát khỏi diện cảnh báo
Mới đây, Tại Hội nghị tổng kết năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, ông Lê Hồng Hà, Vietnam Airlines cho biết tổng doanh thu hợp nhất ước đạt khoảng 92.000 tỷ đồng, vượt 1,4% so với kế hoạch, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 70.479 tỷ đồng doanh thu, vượt 1,7% so với kế hoạch và tăng hơn 40% so với cùng kỳ. Trong năm 2023, Vietnam Airlines nộp ngân sách nhà nước 3.243 tỷ đồng.
Như vậy tính riêng trong quý 4, doanh thu hợp nhất của hãng hàng không khoảng 23.911 tỷ đồng, tăng 22% so với quý cuối năm 2022.Vietnam Airlines ước tính tổng doanh thu hợp nhất đạt khoảng 92.000 tỷ đồng trong năm vừa qua, vượt 1,4% so với kế hoạch, tăng gần 30% so với cùng kỳ năm 2022. Toàn hệ thống này dự tính lỗ trước thuế 6.082 tỷ đồng, sẽ nối dài chuỗi 4 năm lỗ liên tiếp.
Trước đó, HOSE cũng ra quyết định đưa cổ phiếu HVN ra khỏi diện cảnh báo sau khi Vietnam Airlines đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên vào ngày 16/12/2023, khắc phục được nguyên nhân dẫn đến chứng khoán bị đưa vào diện cảnh báo theo quy định.