Kinh tế 6 tháng: Tập trung một số động lực chính thúc đẩy tăng trưởng

Kinh tế 6 tháng: Tập trung một số động lực chính thúc đẩy tăng trưởng - Ảnh 1.

Dây chuyền chế biến sản phẩm tôm xuất khẩu tại nhà máy của Tập đoàn Thủy sản Minh Phú tỉnh Cà Mau. Ảnh tư liệu: Vũ Sinh/TTXVN

Tổng cục Thống kê vừa công bố các chỉ số kinh tế 6 tháng năm 2023; trong đó tăng trưởng GDP ước đạt 3,72%, không đạt kế hoạch đề ra.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết, để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là thách thức lớn trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo.

Để hiểu rõ hơn về bức tranh kinh tế quý II/2023 và 6 tháng đầu năm cũng như những giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023,  phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương xung quanh nội dung này.

Xin bà cho biết một số nét đặc trưng về tình hình kinh tế – xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023?

Kinh tế – xã hội Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục có nhiều biến động phức tạp và bất ổn. Trước những khó khăn, thách thức đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 06/01/2023; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội; Chỉ thị 03/CT-TTg ngày 27/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cùng nhiều chính sách, giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra.

Cùng với đó, sự đồng thuận, ủng hộ và tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp là yếu tố quan trọng giúp nền kinh tế vượt qua khó khăn, thách thức. Nhờ vậy, kinh tế – xã hội nước ta trong 6 tháng đầu năm 2023 đã đạt được những kết quả tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn được đảm bảo, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp.

Cụ thể, trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi nhưng tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của nước ta tiếp tục được duy trì với mức tăng 3,72%; trong đó quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,14%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,07%, đóng góp 9,28% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 1,13%, đóng góp 11,87%. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 78,85%.

Trong 6 tháng đầu năm nay, tổng cầu thế giới và trong nước suy giảm, khu vực doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Xin bà cho biết doanh nghiệp đã làm gì để duy trì sản xuất kinh doanh?

Trong 6 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, thách thức. Do ảnh hưởng từ thị trường thế giới, lạm phát mặc dù hạ nhiệt nhưng vẫn ở mức cao nên nhu cầu tiêu dùng suy giảm, gây khó khăn về tiêu thụ sản phẩm, thiếu đơn hàng dẫn đến doanh nghiệp có lượng hàng tồn kho nhiều.

Với những khó khăn như vậy, các doanh nghiệp trong thời gian qua đã có nhiều giải pháp để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh. Cụ thể, doanh nghiệp đã chủ động sắp xếp tinh gọn từ khâu quản lý đến hoạt động sản xuất để giảm chi phí và giá thành sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động cốt lõi trong sản xuất để tiết giảm chi phí, nhằm tăng tính cạnh tranh, thúc đẩy phát triển bền vững.

Cùng với đó, doanh nghiệp thực hiện tốt chế độ phúc lợi để thu hút và giữ chân người lao động, đặc biệt là lao động có tay nghề cao để gắn bó lâu dài. Một số doanh nghiệp tập trung nguồn lực đổi mới trang thiết bị, công nghệ với chi phí rẻ hơn; đồng thời thúc đẩy liên kết mạng lưới cung ứng trong nước, giảm lệ thuộc vào nước ngoài, nâng cao chất lượng, giảm giá sản phẩm dịch vụ để tận dụng cơ hội chiếm lĩnh và củng cố thị phần.

Ngoài ra, các doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các Hiệp hội để tiếp cận thông tin về các chương trình, đề án, kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp của các bộ, ngành, Trung ương, các Hiệp hội và địa phương cũng như các tổ chức tín dụng để đề xuất nhu cầu hỗ trợ phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp.

Phóng viên: Thưa bà, chi tiêu dùng của người dân trong năm 2022 và 6 tháng năm 2023 suy giảm ảnh hưởng thế nào tới tăng trưởng kinh tế? Theo bà Chính phủ cần có giải pháp gì để thúc đẩy tổng cầu và tăng trưởng kinh tế?

Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương: Tiêu dùng của hộ gia đình 6 tháng đầu năm 2023 tăng khá chậm (2,68%) so với cùng kỳ năm 2022 do kinh tế trong nước gặp khó khăn khiến thu nhập của người dân giảm sút. Điều này cho thấy cầu nội địa đang khá yếu. Trong bối cảnh cầu thế giới suy giảm do hậu quả tác động kép của dịch bệnh và xung đột giữa Nga – Ukraine gây khó khăn cho sản xuất trong nước, cầu nội địa yếu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Để thúc đẩy tổng cầu, tôi cho rằng Chính phủ cần sử dụng đồng thời một loạt các biện pháp kích cầu, kết hợp linh hoạt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ. Theo đó, triển khai giảm, miễn, giãn hoãn thuế; giảm các loại phí như: thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm 2% đối với những nhóm hàng hóa dịch vụ áp dụng thuế suất thuế VAT là 10%. Chính sách này đối với người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp vì làm giảm chi phí tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ phục vụ đời sống nhân dân.

Đối với doanh nghiệp, việc giảm thuế VAT sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, từ đó giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất kinh doanh, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Việc giảm thuế VAT có ba tác động lớn, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng GDP mà còn giúp giảm áp lực lạm phát và hỗ trợ chính sách tiền tệ bớt thắt chặt hơn.

Ngoài chính sách giảm thuế VAT, Chính phủ cũng thực hiện gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023…

Với một loạt các giải pháp đồng bộ về chính sách tài khóa và tiền tệ, tôi cho rằng cầu nội địa sẽ được cải thiện đáng kể, góp phần hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong nửa cuối năm 2023.

Xin bà cho biết kịch bản và các giải pháp vượt qua khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm?

Theo kịch bản tăng trưởng đã đề ra trong Nghị quyết số 01/NQ/CP ngày 06/01/2023 của Chính phủ, để đạt mục tiêu cả năm tăng trưởng 6,5% thì 6 tháng đầu năm cần phải đạt được mức tăng 6,2%. Tuy vậy, kết quả cho thấy, kinh tế cả nước 6 tháng chỉ ước đạt 3,72%, không đạt mức tăng đề ra, chủ yếu do các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 0,37%; xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp chế biến chế tạo như linh kiện điện tử, dệt may, da giày… sụt giảm, thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng cùng kỳ năm 2022 do thiếu hụt đơn hàng nước ngoài đối với các mặt hàng công nghiệp chế biến chế tạo để gia công, sản xuất tại Việt Nam.

Trước thực tế này, Tổng cục Thống kê sẽ tiếp tục cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế cho các quý tiếp theo, tuy nhiên để tăng trưởng kinh tế cả năm đạt 6,5% là thách thức lớn trong bối cảnh nhu cầu thị trường chưa tăng, đơn hàng nước ngoài chưa có nhiều chuyển biến rõ nét do thế giới vẫn tồn tại nhiều yếu tố, rủi ro tiềm ẩn, khó dự báo.

Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong việc quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, một số động lực chính như: đầu tư công đang được đẩy mạnh nhằm giải phóng nguồn lực, tạo cơ hội cho sản xuất phát triển. Nhiều ngành sẽ có cơ hội hưởng lợi trực tiếp như xây dựng, giao thông vận tải tăng trưởng, ngành sản xuất vật liệu xây dựng…

Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tăng trưởng sẽ tạo cơ hội cho nhiều ngành dịch vụ phát triển, thúc đẩy tiêu dùng trong nước và xuất khẩu tại chỗ; nông nghiệp và thủy sản vẫn tiếp tục ổn định; nhiều sản phẩm nông sản đang vào mùa có khả năng xuất khẩu cao. Xuất khẩu hàng nông, thủy sản tăng trưởng tốt.

Theo kết quả điều tra xu hướng sản xuất kinh doanh ngành công nghiệp chế biến chế tạo, dự báo quý III/2023 khả quan hơn quý II/2023 với 72,6% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý III/2023 so với quý II/2023 tốt hơn và giữ ổn định; 27,4% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn.

Dự báo này khả quan hơn so với nhận định quý II so với quý I với 64,2% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh quý II/2023 so với quý I/2023 tốt hơn và giữ ổn định; 35,8% doanh nghiệp đánh giá hoạt động sản xuất kinh doanh khó khăn hơn. Sự phục hồi của khu vực doanh nghiệp sẽ là động lực cho tăng trưởng các tháng cuối năm.

Lạm phát trong nước được kiểm soát hiệu quả cũng là yếu tố hỗ trợ tăng trưởng. Tăng lương cơ sở mới kể từ 1/7 sẽ là nhân tố để kích thích nhu cầu tiêu dùng do tăng thu nhập, nâng cao mức độ thụ hưởng của người lao động.

Cùng với đó, chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt tiếp tục hỗ trợ như giảm thuế, phí, giảm mặt bằng lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh và kích cầu tiêu dùng.

Để ổn định thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong các tháng tiếp theo, các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế cần tích cực thực hiện các giải pháp quyết liệt và đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua khó khăn. Cụ thể là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; tiếp tục bám sát tình hình kinh tế, tài chính quốc tế; theo dõi, đánh giá tác động tích cực tới khu vực sản xuất, từ đó có những điều chỉnh chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn nữa nếu cần thiết, để hỗ trợ khu vực này đẩy mạnh hoạt động sản xuất.

Bên cạnh đó, Chính phủ phối hợp hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, cân bằng giữa kiểm soát lạm phát và tăng trưởng; giữa lãi suất và tỷ giá; giữa cân đối ngân sách và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; giữa đầu tư công, đầu tư trực tiếp nước ngoài và đầu tư tư nhân trong bối cảnh đầu tư tư nhân tăng khá thấp so với 2 kênh dẫn vốn còn lại.

Cùng với đó, các bộ, địa phương cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, kịp thời tháo gỡ các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công, tạo động lực tăng trưởng; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, giảm thiểu thủ tục hành chính nhằm tận dụng cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng, kiến tạo thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tăng năng suất và giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.

Bộ Công Thương cần triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, đẩy mạnh quảng bá thúc đẩy phát triển du lịch; các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Cùng với đó bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu, tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ… nhằm bảo vệ, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng và doanh nghiệp, sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Đặc biệt, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần bám sát thị trường mở rộng hoạt động tìm kiếm khách hàng mới; tăng cường kết nối chuỗi sản xuất – tiêu thụ; cân đối lượng tồn kho và tiêu thụ để bảo đảm dòng tiền cũng như chất lượng sản phẩm, bố trí sản xuất linh hoạt để duy trì hoạt động sản xuất tối ưu.

Bài viết liên quan

18/11/2024 Giá vàng SJC, giá vàng nhẫn ngày 18/11: Vọt tăng ngay khi mở cửa

Sáng 18/11, giá vàng trong nước đồng loạt tăng mạnh khi giá vàng thế giới hồi phục trở lại mốc 2.600 USD/ounce. Cụ thể, giá vàng SJC tại các doanh nghiệp lớn hiện được niêm yết ở mức 81,0-84,0 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng chiều mua và 1,5 triệu đồng/lượng chiều bán so với […]

Xem thêm
15/11/2024 VN-Index liên tục sụt giảm với thanh khoản mất hút, nhịp điều chỉnh bao giờ mới kết thúc?

Nếu thanh khoản vẫn không cải thiện, khối ngoại bán ròng mạnh tay, các nhịp hồi của thị trường nhiều khả năng là Bull-trap. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang trải qua khoảng thời gian giao dịch khó khăn về cả điểm số lẫn thanh khoản. Các phiên tăng, giảm dù đan xen song […]

Xem thêm
12/11/2024 Toàn cảnh công trường dài hơn 11 km của đường Vành đai 3 qua tỉnh Đồng Nai

Trong khi đoạn Dự án thành phần 1A dài 6,3km do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư đang vượt tiến độ, cầu Nhơn Trạch đã hợp long thì đoạn Dự án thành phần 3 dài 5km do tỉnh làm chủ đầu tư chưa giải tỏa xong mặt bằng và chậm tiến độ. […]

Xem thêm
12/11/2024 Tiếp tục bị bán tháo, giá vàng thế giới rơi tự do Tối ngày 11/11, giá vàng thế giới tiếp tục bị bán tháo, lao dốc không phanh.

Tối ngày 11/11, giá vàng thế giới bất ngờ lao dốc mạnh từ 2.672 USD/ounce xuống còn 2.618 USD/ounce, tức mất 54 USD/ounce. Kim loại quý sau đó hồi phục nhẹ, hiện giá vàng giao ngay ở mức 2.622 USD/ounce. Vàng và bạc bị xoá sạch mức tăng trong cả tháng qua, trong khi thị […]

Xem thêm
08/11/2024 Fed tiếp tục hạ lãi suất ở mức 0,25%, chỉ ra một động lực quan trọng của nền kinh tế Mỹ đang suy yếu

Kết thúc cuộc họp chính sách 2 ngày, Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) quyết định hạ lãi suất lần thứ 2 trong năm nay, với tốc độ chậm hơn trước nhưng vẫn tiếp tục nỗ lực điều chỉnh chính sách tiền tệ. Sau mức cắt giảm 0,5% ở tháng 9, Uỷ ban Thị […]

Xem thêm
01/11/2024 PMI của Việt Nam vượt ngưỡng 50 điểm trong tháng 10, chuyên gia quốc tế nói gì về tình hình sản xuất trong những tháng cuối năm?

Dữ liệu PMI của S&P Global cho thấy, ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 10 đã bắt đầu hồi phục sau ảnh hưởng của cơn bão Yagi xảy ra hồi tháng 9. Theo đó, cả sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới đều ghi nhận tăng trở lại. Tuy nhiên, các […]

Xem thêm