GS.TSKH Nguyễn Mại phân tích cơ hội đưa Việt Nam trở thành cường quốc trong lĩnh vực ‘nóng’ nhất toàn cầu và khả năng tăng trưởng GDP vượt mức 7% năm 2024
Từ năm 2023 đến nay, Việt Nam đã đón gần 30 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có 2 chuyến thăm lịch sử của Mỹ và Trung Quốc chỉ cách nhau hơn 1 tháng. Cùng với các chuyến thăm đó là hàng loạt đoàn doanh nghiệp, quỹ quốc tế đến tìm hiểu các cơ hội đầu tư, kinh doanh. Theo GS. TSKH Nguyễn Mại, đây là những tín hiệu tích cực để có thể dự báo rằng Việt Nam sẽ trở thành điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI mới.
GS. TSKH Nguyễn Mại – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VEPR) cũng chỉ ra sự thay đổi quan trọng trong đường hướng thu hút FDI của Việt Nam nói chung và các tỉnh thành nói riêng: “Trước đây, những tỉnh, thành trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI vì lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng. Nhưng gần đây, điều quan trọng nhất là cải cách hành chính, đổi mới sáng tạo trong vận động, xúc tiến đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh”.
Năm 2023, dòng vốn FDI vào Việt Nam tích cực khi chúng ta đã thu hút hơn 36 tỷ USD. Theo ông, điều gì đã tạo ra kết quả này?
Năm 2023, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nhất định khi miếng bánh thị phần FDI giảm do 3 yếu tố.
Đầu tiên, các nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… cơ cấu lại nền kinh tế, chú trọng hơn đến doanh nghiệp nội địa và đưa doanh nghiệp từ nước ngoài về trong nước.
Cùng với đó, chuỗi giá trị toàn cầu được cơ cấu lại, các cuộc xung đột trên toàn cầu làm đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến giá lương thực, giá nguyên liệu, giá năng lượng như xăng dầu diễn biến bất thường. Điều này làm thương mại quốc tế sụt giảm và ảnh hưởng đến đầu tư quốc tế.
Cuối cùng, các nước bắt đầu thắt chặt đầu tư ra nước ngoài. Điều này đối với các nước lớn không ảnh hưởng nhiều nhưng với các nước đang phát triển cần thu hút vốn FDI như Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng.
Mặc dù vậy, Việt Nam đã thích ứng linh hoạt để ổn định nền kinh tế vĩ mô, tiếp tục trở thành điểm sáng trong thu hút vốn FDI. Đặc biệt, Việt Nam là một quốc gia điển hình, mặc dù thu nhập chưa cao nhưng đã có phản ứng chính sách rất nhanh nhẹn, làm giảm thiểu tác động bên ngoài nên vốn FDI vẫn tăng.
Với định hướng phát triển đúng đắn, Việt Nam đã có những ưu thế vượt trội trong thu hút vốn FDI so với các nước trong khu vực.
Thứ nhất, Việt Nam có chính trị ổn định. Thứ hai, kiểm soát tốt kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, thặng dư thương mại cao. Thứ ba, chiến lược ngoại giao đúng đắn, điển hình trong năm 2023, Việt Nam đã đón 28 chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao các nước, trong đó có 2 chuyến thăm lịch sử của Trung Quốc và Mỹ cách nhau hơn 1 tháng. Theo đó, có thể nói, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến lý tưởng cho dòng vốn FDI.
Hiện nay, Việt Nam đặt mục tiêu đón được dòng vốn FDI chất lượng với công nghệ cao và trở thành ‘tổ của các đại bàng’. Theo ông, cơ sở nào cho mục tiêu này trở thành hiện thực?
Đầu tiên, để đón được dòng vốn FDI vào lĩnh vực điện tử, bán dẫn; năng lượng tái tạo; kinh tế số; đổi mới sáng tạo… từ các cường quốc trên thế giới, Việt Nam chắc chắn phải đi theo xu thế của toàn cầu. Điển hình là việc Việt Nam đã thích ứng rất nhanh với các cơ chế mới của thế giới như thuế tối thiểu toàn cầu.
Cuối năm 2023, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về thể chế ứng dụng thuế tối thiểu toàn cầu và giao cho Chính phủ thực thi thuế tối thiểu toàn cầu từ 1/1/2024 nhằm phù hợp với các nước trên thế giới. Hiện nay, Việt Nam có thuế tối thiểu toàn cầu 15% và thuế tối thiểu khu vực quốc gia 6,5%.
Song song với đó, Việt Nam có một điều rất may là sở hữu đất hiếm, đây nguồn cung cấp cho bán dẫn – lĩnh vực có tiềm năng lớn trong thời gian tới. Theo công bố mới nhất của Cục Khảo sát địa chất Mỹ, thế giới có 120 triệu tấn đất hiếm dự trữ, trong đó Trung Quốc có 44 triệu tấn, Việt Nam có 22 triệu tấn.
Cuối cùng, điều không thể thiếu trong chiến lược thu hút “đại bàng” là đưa ra các chính sách hấp dẫn. Cụ thể, Việt Nam xác định khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ cần đưa ra chính sách ưu đãi về tài chính, chi phí để nhà đầu tư sẵn sàng đưa các công nghệ mới nhất vào.
Ngoài ra, hiện nay, điều nhiều nhà đầu tư lo lắng nhất là một số cơ quan nhà nước không gây phiền hà gì, nhưng lại không làm, có thể hiểu là do sợ sai, sợ chịu trách nhiệm. Trong khi đó, Việt Nam rất cần những cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, dám sáng tạo trong khuôn khổ pháp luật cho phép. Thực tế, khi đổi mới trong khuôn khổ quy định cho phép đều được Trung ương ủng hộ.
Để cung cấp những đội ngũ chuyên gia, chuyên viên Nhà nước với chất lượng cao để phục vụ doanh nghiệp nước ngoài, một đợt cải cách tiền lương được thực hiện vào tháng 7/2024. Theo đó, có thể sẽ tăng lên rất nhiều để đảm bảo cho cán bộ, công chức có thể sống bằng tiền lương.
Nếu quan sát sâu hơn vào các địa phương, bạn sẽ thấy sự thay đổi tích cực đã diễn ra ngay từ những năm gần đây. Trước đây, những tỉnh, thành trở thành điểm đến lý tưởng của dòng vốn FDI thường là vì lợi thế về địa lý, cơ sở hạ tầng. Nhưng gần đây, điều quan trọng nhất là cải cách hành chính và đổi mới sáng tạo trong vận động đầu tư, xúc tiến đầu tư và cấp giấy phép kinh doanh.
Ví dụ như Bắc Giang, khi có nhà đầu tư Foxconn của Đài Loan vào với 1,5 tỷ USD, tỉnh đã xin Thủ tướng cho mở ngay một khu công nghiệp mới. Sau đó, chỉ trong vòng 3-4 tháng giải phóng xong mặt bằng và bắt đầu triển khai.
Một địa phương khác cũng thể hiện rất rõ tinh thần đổi mới trong thu hút vốn FDI là Nghệ An. Cụ thể, tỉnh này đã thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Điển hình như việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho một dự án sản xuất hợp kim nhôm phục vụ cho ngành sản chỉ trong 5 ngày, giảm gần 1/3 so với quy định.