Giá USD ngân hàng tăng tiếp, chạm mức 24.200 đồng, vượt xa giá chợ đen
Trên thị trường tự do, giá bán USD cũng đã vượt mức 24.000 đồng song vẫn thấp hơn nhiều so với các ngân hàng.
Tỷ giá trung tâm hôm nay (16/8) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.918 VND/USD, tăng 38 đồng so với mức niêm yết hôm qua. Đây là phiên tăng mạnh thứ ba liên tiếp của tỷ giá trung tâm kể từ đầu tuần, với mức tăng tổng cộng 81 đồng.
Với biên độ 5%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.722 – 25.114 VND/USD.
Cùng với việc tăng mạnh tỷ giá trung tâm, NHNN cũng tăng giá bán USD tại Sở giao dịch thêm 38 đồng, lên 25.063 đồng/USD và giữ nguyên giá mua ở mức 23.400 đồng/USD. Như vậy, giá bán USD can thiệp của Nhà điều hành vẫn thấp hơn 51 đồng so với mức giá trần mà các ngân hàng được phép giao dịch.
Trên thị trường chính thức, giá USD tại các ngân hàng cũng đồng loạt tăng mạnh so với mức khảo sát sáng hôm qua.
Theo khảo sát lúc 9h, Vietcombank tăng 135 đồng ở cả hai chiều giao dịch, lên mua – bán ở mức 23.775 – 24.145 VND/USD. Vietinbank cũng tăng 130 đồng so với sáng hôm qua, lên mức 23.725 – 24.145 VND/USD.
Trong khi BIDV công bố giá mua – bán USD ở mức 23.815 – 24.115 đồng, tăng 125 đồng so với cùng thời điểm hôm qua.
Bên phía các ngân hàng tư nhân, giá USD tăng 100 – 200 đồng so với mức ghi nhận sáng hôm qua. Trong đó, giá USD tại ACB đã chạm mức 24.200 đồng/USD ở chiều bán ra.
Trên thị trường chợ đen, giá USD sáng nay được mua – bán ở mức 23.930 – 24.030 đồng, tăng khoảng 130 đồng so với mức ghi nhận cùng thời điểm hôm qua.
Như vậy, hiện giá bán USD tại các ngân hàng đang cao hơn thị trường chợ đen 70 – 170 đồng, trong khi giá mua thấp hơn khoảng 150 – 230 đồng.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Bộ phận nghiên cứu Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, tỷ giá VND/USD tăng mạnh trong bối cảnh Việt Nam duy trì mức thặng dư thương mại lớn là 16,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm; mức FDI giải ngân ổn định đạt 11,58 tỷ USD và dự trữ ngoại hối gia tăng lên mức 93 tỷ USD cho thấy yếu tố cung cầu USD không hẳn là nguyên nhân khiến tỷ giá gia tăng so với đầu năm.
Nếu xét các yếu tố áp lực từ thị trường ngoại hối toàn cầu, USDindex đã tăng lại lên mức 103 điểm trong hai tuần đầu tháng 8 sau khi chạm ngưỡng thấp nhất năm là mức 99,7 điểm trong tháng 7. Các đồng tiền khác trong khu vực cũng có xu hướng mất giá so với USD trong 2 tuần đầu tháng 8. So với đầu năm đa phần các đồng tiền trong khu vực cũng mất giá so với USD với mức giao động từ 3-5%. Do đó, VND cũng chịu sức ép giảm giá một phần từ yếu tố này.
Tuy nhiên, MBS đánh giá Chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện tại đang là yếu tố chính khiến VND giảm giá so với USD.
Trong thời gian qua, NHNN đã có các động thái hạ lãi suất quyết liệt để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và để tỷ giá VND/USD biến động ở mức thấp. Vào ngày 14/8/2023, NHNN đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng tiếp tục giảm thêm 1,5-2% lãi vay, áp dụng với cả khoản vay hiện hữu.
Các động thái nới lỏng tiền tệ và thông điệp mạnh mẽ của NHNN đã khiến chênh lệch lãi suất giữa VND và USD duy trì ở mức cao, khuyến khích nắm giữ USD qua đó gây sức ép lên VND. Hiện tại, lãi suất cho vay qua đêm VND ở mức 0,2%. Trong khi đó, lãi suất cho vay qua đêm bằng USD giữa các ngân hàng ở mức trên 5%.
“Đây là mức chênh lệch lớn và khó có khả năng thu hẹp trong tương lai gần cộng thêm nhu cầu USD cũng thường gia tăng vào cuối năm theo yếu tố mùa vụ khiến cho tỷ giá VND/USD nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới”, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS nhận định.
MBS đánh giá, mặc dù áp lực lên VND đã tăng nhưng không gây áp lực lên ổn định kinh tế vĩ mô và mức giảm giá của VND so với USD vẫn còn khá thấp so với các đồng tiền khác trong khu vực. Khó có khả năng NHNN đảo chiều chính sách. Tuy nhiên, diễn biến gần đây của tỷ giá VND/USD sẽ khiến NHNN thận trọng hơn với các thông điệp nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Nhiều khả năng NHNN sẽ không tiếp tục hạ lãi suất điều hành trước khi Fed có động thái hạ lãi suất vào năm sau”, chuyên gia của MBS dự báo.