Gần 160 cổ phiếu giảm sàn, đâu là “tác nhân” khiến VN-Index đánh rơi gần 60 điểm, vốn hóa bay 244.000 tỷ đồng phiên 15/4
Tổng cộng toàn thị trường ghi nhận 886 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 157 mã giảm sàn. Mức giảm gần 5% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới ngày đầu tuần.
Thị trường chứng khoán Việt Nam có phiên giao dịch đầu tuần 15/4 đáng thất vọng khi sắc đỏ bao trùm, 854 mã giảm trong đó 84 cổ phiếu giảm sàn. VN-Index đóng cửa dưới 1.217 điểm, ghi nhận mức giảm 59,99 điểm (-4,7%. Xét về điểm số, đây là phiên chỉ số chính đánh rơi nhiều điểm nhất trong vòng gần 2 năm, kể từ 12/5/2022 (VN-Index giảm 63 điểm). Thanh khoản ghi nhận cải thiện với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE trên 30.000 tỷ đồng, tăng gần 80% so với phiên liền trước.
Hầu hết các nhóm cổ phiếu bất động sản, ngân hàng, chứng khoán, thép, dầu khí, phân bón đều chìm trong sắc đỏ với biên độ giảm tương đối mạnh, hàng loạt mã thậm chí còn giảm sàn với nhiều mã “trắng bên mua”. Tổng cộng toàn thị trường ghi nhận 886 cổ phiếu giảm điểm, trong đó 157 mã giảm sàn.
Phiên giảm mạnh cũng đã thổi bay hơn 244.000 tỷ đồng (~ 10 tỷ USD) vốn hóa của HoSE. Tính đến hết ngày 15/4, giá trị vốn hóa của HoSE chỉ còn hơn 4,9 triệu tỷ đồng. Mức giảm gần 5% cũng đưa chứng khoán Việt Nam trở thành một trong những thị trường giảm mạnh nhất thế giới ngày đầu tuần.
Phiên giảm mạnh diễn ra sau khi thị trường vừa có giai đoạn tích lũy đi ngang với thanh khoản mất hút. Dòng vốn ngoại không gia nhập càng khiến thị trường chung mất đi lực đỡ. Ghi nhận trong phiên 15/4, khối ngoại bán ròng gần 1.300 tỷ đồng trên HoSE, nâng tổng giá trị bán ròng từ đầu năm lên
Xét về mức độ đóng góp, hai bluechips nhóm ngân hàng là BID và VCB đã trở thành “tội đồ” lớn nhất khiến VN-Index đánh rơi tổng cộng gần 9 điểm, trong đó BID giảm sàn 6,9% xuống 49.700 đồng/cp trong khi VCB mất 2,7% về mức giá 92.000 đồng/cổ phiếu.
Chưa dừng lại, nhóm ngân hàng tiếp tục là nhân tố đè mạnh lên thị trường khi CTG lấy đi 3,2 điểm của VN-Index với mức giảm tới 6,8% trong phiên hôm nay, trong khi TCB giảm 6,3% và khiến Index mất 2,6 điểm. VHM và GVR cũng lần lượt lấy đi khoảng 4 điểm của chỉ số chính của thị trường chứng khoán Việt Nam. Hai ông lớn đầu ngành này trong phiên hôm nay cũng kết phiên với mức giảm mạnh, GVR giảm kịch sàn còn VHM cũng giảm 4,7%.
Việc những nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn nhất của thị trường chứng khoán thời điểm hiện tại đồng loạt giảm biên độ mạnh cho thấy mức độ tiêu cực của phiên giao dịch hôm nay. Top 15 cổ phiếu tác động tiêu cực đến VN-Index trong phiên giảm mạnh này này còn có những cổ phiếu như VPB, HPG, MSN, GAS, VIC,…
Ở chiều ngược lại, sắc xanh le lói tại một số cổ phiếu như SHB, QCG, BHN, TMS… giúp thị trường có lực chống đỡ. Tuy nhiên mức độ tăng không thấm vào đâu với đà lao dốc mạnh của các nhóm cổ phiếu còn lại.
Theo nhận định của ông Bùi Văn Huy – Giám đốc Chi nhánh Chứng khoán DSC, bối cảnh thế giới đang tương đối tiêu cực. Nhiều áp lực trở lại với việc CPI của Mỹ cao hơn dự đoán tháng thứ 3 liên tiếp khiến lộ trình hạ lãi suất của FED có thể chậm lại. Lợi suất trái phiếu và đồng Dollar cũng tăng mạnh trở lại. Trong khi đó xung đột địa chính trị đang đẩy thị trường hàng hóa tăng mạnh đồng thời gây áp lực lạm phát tiềm ẩn.
Về đà tăng trong thời gian qua, ông Huy cho rằng cho rằng VN-Index quay về vùng đỉnh chủ yếu nhờ sự nâng đỡ của nhóm cổ phiếu trụ, trong khi đó thanh khoản và độ rộng vẫn chưa thuyết phục. Việc thị trường áp sát đỉnh cũ với chưa đến phân nửa cổ phiếu duy trì được xu hướng tăng theo chuyên gia là điều không tích cực.
“Thị trường có thể chưa chiết khấu xong các thông tin mới trong và ngoài nước và khả năng tiếp tục tích lũy với thanh khoản thấp. Hỗ trợ hiện tại quanh 1.240-1.250 điểm; kháng cự mạnh quanh vùng 1.280-1.300 và đây là ngưỡng không dễ vượt qua trong ngắn hạn. Xu hướng tuần tới vẫn là điều chỉnh và tích lũy; dù chỉ số có tăng thì thanh khoản và độ rộng cũng khó lan tỏa”, ông Huy đánh giá.
Đánh giá thêm về động thái bán ròng của khối ngoại, ông Nguyễn Anh Khoa – Trưởng phòng Phân tích và Nghiên cứu Chứng khoán Agriseco cho rằng hiện dòng tiền từ nhà đầu tư cá nhân vẫn đang dồi dào và tạm thời đang là điểm tựa cho thị trường. Tuy nhiên trước những thông tin về lạm phát Mỹ không mấy khả quan và việc FED có thể chưa sớm hạ lãi suất như kỳ vọng, dòng tiền khối ngoại có thể tiếp tục rút ròng và tác động rõ ràng hơn tới thị trường.