Doanh nghiệp có cổ phiếu đắt gần nhất sàn chứng khoán lùi ngày chốt quyền cổ tức, nhà đầu tư có thêm 3 phiên giao dịch để bỏ túi “tiền tươi” với tỷ lệ khủng 144%
Vừa báo lãi kỷ lục, doanh nghiệp đã lập tức dốc hầu bao trả cổ tức cho cổ đông, tỷ lệ vượt xa kế hoạch đã thông qua hồi đầu năm.
Trong thông báo mới nhất, Công ty cổ phần Bến xe Miền Tây (mã WCS) đã lùi ngày chốt danh sách cổ đông nhận tạm ứng cổ tức năm 2023 từ 15/3 sang 20/3/2024, tức là sau 3 phiên giao dịch. Các nội dung khác không thay đổi.
Theo đó, WCS dự kiến tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt với tỷ lệ 144%, tương ứng mỗi 1 cổ phiếu nhận về 14.400 đồng. Công ty sẽ thanh toán cho cổ đông vào ngày 28/3. Với 2,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, ước tính Bến xe Miền Tây sẽ chi 36 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức cho cổ đông.
Mặc dù chỉ có mức vốn điều lệ khiêm tốn 25 tỷ đồng tương ứng 2,5 triệu cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán song WCS được mệnh danh là “nhỏ nhưng có võ” với kết quả kinh doanh lãi hàng chục tỷ đồng mỗi năm, chỉ số EPS top đầu sàn cộng thêm chính sách cổ tức cao, đều đặn qua các năm.
Theo đó sau 3 năm trồi sụt vì ảnh hưởng dịch bệnh, bước qua 2023, doanh thu thuần của WCS đạt mức kỷ lục hơn 140 tỷ đồng, tăng 49% so với năm trước và vượt 17% chỉ tiêu doanh thu. Lợi nhuận sau thuế tăng mạnh 73% lên gần 67 tỷ đồng – mức lợi nhuận cao nhất của doanh nghiệp này trong 4 năm qua đồng thời vượt gần 50% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Doanh nghiệp cho biết nguồn thu cải thiện nhờ lệnh cấm xe giường nằm vào khu vực nội đô từ đầu năm, khiến các doanh nghiệp vận tải đưa xe vào bến hoạt động. Công ty áp dụng thu tiền giá dịch vụ xe ra – vào bến theo biểu đồ xe chạy được cơ quan quản lý tuyến phê duyệt.
Báo lãi kỷ lục, WCS lập tức dốc hầu bao trả cổ tức cho cổ đông. Tỷ lệ cổ tức 144% của năm 2023 đã vượt xa kế hoạch cổ tức “không thấp hơn 20%” đã thông qua hồi đầu năm. Đây cũng là tỷ lệ cổ tức cao nhất của doanh nghiệp này trong vòng 3 năm trở lại đây. Giai đoạn năm 2018 và năm 2019, doanh nghiệp bến xe thậm chí đã trả cổ tức cao ngất ngưởng lên đến 400% và 516%.
Dù vậy, hầu hết tiền cổ tức sẽ chảy về túi cổ đông lớn khi cơ cấu cổ đông của WCS tương đối cô đặc. Hiện Tổng công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn nắm giữ 51% vốn, tiếp đến là America LLC sở hữu 23,08% vốn và Công ty cổ phần Đầu tư Thái Bình sở hữu 10% vốn
Trên sàn, cổ phiếu WCS giao dịch tương đối ảm đạm do lượng cổ phiếu trôi nổi thấp. Chốt phiên 13/3, thị giá WCS đứng yên ở mức 213.000 đồng/cp, tăng gần 15% từ đầu năm. Mức thị giá hiện tại đưa WCS trở thành cổ phiếu đắt thứ 2 trên sàn HNX và HOSE