Điều hiếm khi xảy ra trong lịch sử vừa ập đến với trùm bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam
Xét từ đầu năm 2024, thị giá đã tăng 21% qua đó leo lên mức đỉnh cao nhất trong vòng gần 2 năm.
Giữa lúc thị trường chung đang giằng co mạnh, loay hoay tìm về vùng đỉnh ngắn hạn, một cổ phiếu trụ bất ngờ ghi nhận diễn biến vô cùng sôi động.
Cụ thể, mã PLX của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) “cháy hàng” ngay trong phiên sáng 23/5. Cổ phiếu tăng bốc 6,9% lên mức giá trần 40.300 đồng/cp. Diễn biến khởi sắc cũng đưa PLX trở thành một trong những công thần lớn nhất gồng gánh chỉ số chính VN-Index trong phiên 23/5.
Càng đặc biệt hơn khi thị giá PLX tăng kịch trần là điều hiếm khi xảy ra. Lần gần nhất cổ phiếu này tăng hết biên độ trên HoSE đã cách đây 17 tháng, vào ngày 4/1/2023.
Cổ phiếu “bốc đầu”, vốn hóa thị trường của Petrolimex cũng tăng mạnh lên hơn 51.200 tỷ đồng (~ 2 tỷ USD). Xét từ đầu năm 2024 tới nay, thị giá PLX đã tăng 21%, leo lên mức giá cao nhất trong vòng gần 2 năm trở lại đây của mã chứng khoán này.
Petrolimex hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn nhất Việt Nam với 17.000 cửa hàng trên toàn quốc, chiếm hơn 50% thị phần kinh doanh, bán lẻ xăng dầu cả nước. Cú nhảy vọt của cổ phiếu PLX trên sàn chứng khoán diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp ghi nhận tình hình kinh doanh tích cực. Quý 1/2024, doanh thu thuần của Petrolimex tăng 11% so với cùng kỳ đạt 75.106 tỷ đồng. Trừ đi các chi phí, Petrolimex ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 1.441 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ.
Petrolimex cho biết nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sau thuế quý 1/2024 tăng so với cùng kỳ năm 2023 là do hiệu quả từ hoạt động kinh doanh xăng dầu, hoạt động kinh doanh thuộc các lĩnh vực khác của Tập đoàn về cơ bản ổn định và tăng trưởng so với cùng kỳ.
Theo DN, nguồn cung năng lượng và giá dầu thế giới ổn định, không biến động mạnh như các năm; nguồn cung xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước khá ổn định, các thương nhân thực hiện nhập mua xăng dầu theo đúng kế hoạch và đảm bảo hiệu quả.
Lợi nhuận hoạt động tài chính cũng tăng so với cùng kỳ năm trước do nhận cổ tức được chia mà cùng kỳ không có; hiệu quả khi sử dụng các hợp đồng bảo hiểm tỷ giá đã hạn chế rủi ro lỗ chênh lệch tỷ giá; và kinh doanh đạt hiệu quả tốt đã làm gia tăng dòng tiền thuần và tăng lãi tiền gửi khi sử dụng dòng tiền thuần so với cùng kỳ.
Năm 2024, Petrolimex lên chỉ tiêu thận trọng với doanh thu hợp nhất tương ứng 188.000 tỷ đồng, giảm 32% so với thực hiện 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất kế hoạch đạt 2.900 tỷ đồng, giảm 26% so với kết quả đạt được năm ngoái. Như vậy chỉ sau quý đầu năm, doanh nghiệp đã thực hiện được xấp xỉ 50% mục tiêu lợi nhuận năm.
Liên quan, vào cuối tháng 5 này, Petrolimex sẽ chi khoảng 1.906 tỷ đồng để thanh toán cổ tức năm 2023 cho cổ đông theo tỷ lệ 15% (tương ứng mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận 1.500 đồng). Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) đang nắm gần 76% vốn tại Petrolimex dự kiến sẽ nhận về khoảng 1.440 tỷ đồng. Ngoài ra, cổ đông lớn từ Nhật Bản Eneos Việt Nam nắm hơn 13% vốn điều lệ sẽ nhận được khoảng 247 tỷ đồng.