Đằng sau việc Thế giới Di động mua lại số lượng cổ phiếu quỹ cao kỷ lục
Chỉ trong nửa đầu năm nay, Thế giới Di động đã mua lại 816.669 cổ phiếu quỹ, vượt xa tổng số cổ phiếu quỹ mua lại của các năm trước. Theo quy định, nếu nhân viên nghỉ việc vì bất kỳ lý do gì, Thế giới Di động sẽ mua lại toàn bộ số lượng cổ quỹ của nhân viên đó với mức giá 10.000 đồng/cổ phiếu.
Vượt xa các năm trước
Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) vừa có thông báo gửi Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM về việc mua lại cổ phiếu quỹ .
Theo đó, Thế giới Di động sẽ mua lại 450.547 cổ phiếu quỹ để thu hồi cổ phiếu phát hành theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) của những nhân viên đã nghỉ việc theo quy chế phát hành ESOP. Thời gian dự kiến giao dịch trong tháng 6 và tháng 7/2023. Công ty CP Chứng khoán TPHCM được chỉ định làm đại lý thực hiện giao dịch mua lại cổ phiếu.
Theo thông lệ, Thế giới Di động thường có 3 – 4 đợt mua lại cổ phiếu quỹ mỗi năm. Đây là những cổ phiếu mà Thế giới Di động phát hành ESOP. Tuy nhiên, khi người lao động nghỉ việc và các nhân viên này bắt buộc phải bán lại cổ phiếu cho Thế giới Di động theo quy chế phát hành ESOP.
Lần mua lại này lên tới 450.547 cổ phiếu MWG và đây là số cổ phiếu quỹ cao kỷ lục, gấp khoảng 3 lần so với số lượng cổ phiếu quỹ đã mua lại trong những lần trước đó.
Đằng sau việc Thế giới Di động mua lại số lượng cổ phiếu quỹ cao kỷ lục – Ảnh 1.
Chỉ trong nửa đầu năm 2023, tổng số cổ phiếu quỹ MWG mua lại đã lên tới 816.669, vượt xa tổng số cổ phiếu quỹ mua lại của các năm trước.
Trước đó, trong tháng 5/2023, Thế giới Di động đã có một đợt mua lại cổ phiếu quỹ, với quy mô lên tới 366.122 cổ phiếu. Như vậy, chỉ trong nửa đầu năm 2023, tổng số cổ phiếu quỹ mua lại đã lên tới 816.669, vượt xa tổng số cổ phiếu quỹ mua lại của các năm trước.
ESOP là một chiến lược quan trọng của Thế giới Di động trong việc giữ chân nhân tài. Tại nhiều kỳ đại hội thường niên, cổ đông luôn có ý kiến, tỷ lệ phát hành ESOP quá lớn ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông nhưng ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch MWG cho rằng, ESOP có ý nghĩa giúp cả tập thể có động lực phấn đấu và nỗ lực vì Tập đoàn.
Ông Tài khẳng định luôn ủng hộ chính sách này, bởi với vị trí là người lãnh đạo và là cổ đông lớn nhất ở Thế giới Di động, ông hiểu chính sách này đang đem lại điều gì cho tập thể và đem lại gì cho MWG.
Tuy nhiên, tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 tổ chức hồi tháng 4, Thế giới Di động đã không đưa ra phương án ESOP, do tình hình kinh doanh không thuận lợi. Ngoài ra, ông Tài cho biết đội ngũ lãnh đạo sẽ làm việc năm nay mà không nhận lương với quyết tâm đưa MWG vượt qua khó khăn.
Trong năm 2022, Thế giới Di động phát hành 19,22 triệu cổ phiếu ESOP cho 567 nhân viên với giá chỉ 10.000 đồng/cổ phiếu. Các cổ phiếu này bị hạn chế chuyển nhượng 4 năm. Sau mỗi năm, 25% số cổ phiếu ESOP sẽ được tự do chuyển nhượng.
Cũng theo chính sách ESOP, nếu nhân viên kết thúc hợp đồng lao động, vì bất kỳ lý do gì, công ty sẽ mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu vẫn còn bị hạn chế chuyển nhượng của nhân viên đó với mức giá bằng với giá mua của nhân viên, tức là cũng 10.000 đồng/cổ phiếu.
Kinh doanh khó khăn
Thế giới Di động liên tiếp mua lại cổ phiếu ESOP từ nhân viên nghỉ việc trong bối cảnh số lượng lao động tại công ty bị cắt giảm mạnh và hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Báo cáo tài chính quý I năm nay của Thế giới Di động cho thấy, số lượng nhân viên tính đến cuối tháng 3 là hơn 68.000 người, giảm gần 6.000 người so với thời điểm đầu năm. Đây là quý thứ hai liên tiếp công ty cắt giảm lượng lớn nhân viên trong bối cảnh sức mua của thị trường bán lẻ suy yếu.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2022, Thế giới Di động cho biết, quy mô nhân sự của công ty đã bị thu hẹp, còn hơn 73.200 nhân viên. Điều này đồng nghĩa chỉ trong vòng 3 tháng, Thế giới Di động đã cắt giảm hơn 7.000 nhân viên, tương đương 4% nhân sự.
Như vậy, tính chung nửa năm qua, Thế giới Di động cắt giảm tổng cộng 13.000 lao động, đưa quy mô nhân sự về mức tương đương cuối năm 2021. Chi phí nhân viên là một trong những khoản mục biến động mạnh nhất trong báo cáo tài chính quý I vừa qua của Thế giới Di động, khi giảm khoảng 900 tỷ đồng so với cùng kỳ, từ hơn 3.000 tỷ đồng còn hơn 2.100 tỷ đồng.
Đằng sau việc Thế giới Di động mua lại số lượng cổ phiếu quỹ cao kỷ lục – Ảnh 2.
Thế giới Di động liên tiếp mua lại cổ phiếu ESOP từ nhân viên nghỉ việc trong bối cảnh số lượng lao động tại công ty bị cắt giảm mạnh và hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn.
Quý I năm nay, doanh thu của Thế giới Di động đạt hơn 27.105 tỷ đồng, giảm 25,7% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế ghi nhận hơn 21 tỷ đồng, giảm 98,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, biên lợi nhuận gộp giảm từ 22,3% về còn 19,2%.
Dù đã tiết giảm chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp nhưng do lợi nhuận gộp lao dốc, dẫn tới lợi nhuận sau thuế giảm 98,5%. Từ năm niêm yết đầu tiên 2014 tới nay, chưa quý nào lợi nhuận của Thế giới Di động xuống dưới 21 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa, lợi nhuận quý I/2023 là mức thấp nhất từ trước tới nay.
Tại thời điểm 31/3, tổng tài sản của Thế giới Di động đã giảm 3,4% so với đầu năm, xuống còn 53.919 tỷ đồng. Trong đó, tài sản chủ yếu là hàng tồn kho với giá trị 20.957 tỷ đồng, tương đương gần 39% tổng tài sản. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng ghi nhận số dư tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn 19.809 tỷ đồng, chiếm 37% tổng tài sản. Ngoài ra, giá trị tài sản cố định ghi nhận 9.102 tỷ đồng, chiếm 17% tổng tài sản và các khoản mục khác.
Năm nay, Thế giới Di động đặt mục tiêu doanh thu 135.000 tỷ đồng, tăng 1% so với năm liền trước và lợi nhuận sau thuế dự kiến đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 2%. Kết thúc quý đầu năm, Thế giới Di động mới hoàn thành 0,5% kế hoạch lợi nhuận năm.