CTCK điểm tên loạt doanh nghiệp đầu ngành có lợi nhuận quý 4 dự kiến khả quan
Agriseco cho rằng thị trường có thể tiếp tục xu hướng đi ngang nhưng dần tiến về vùng 1.300 điểm khi nền định giá đang ở mức hấp dẫn sau khi công bố KQKD Q3/2024 và kỳ vọng tốc độ nới lỏng chính sách diễn ra nhanh hơn.
Thị trường chứng khoán tháng 10 dao động quanh ngưỡng 1.250 và điều chỉnh giảm sau nhiều lần chạm ngưỡng kháng cự 1.300 điểm. Bước sang tháng 11, Agriseco Research đánh giá một số yếu tố có thể tác động đến thị trường.
Tâm điểm là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ (ngày 5/11) với nhiều khác biệt trong chính sách điều hành của 2 ứng viên sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thị trường chứng khoán. Bên cạnh đó, chính sách lãi suất của FED trong kỳ họp FOMC dự kiến diễn ra ngày 8/11, kỳ vọng FED hạ lãi suất trong bối cảnh lạm phát đã hạ nhiệt, qua đó giảm áp lực lên tỷ giá và áp lực rút ròng của khối ngoại. Căng thẳng địa chính trị đang leo thang và xu hướng tiếp tục tăng giá của đồng USD cũng là yếu tố cần theo dõi.
Agriseco cho rằng thị trường có thể tiếp tục xu hướng đi ngang nhưng dần tiến về vùng 1.300 điểm khi nền định giá đang ở mức hấp dẫn sau khi công bố KQKD Q3/2024 và kỳ vọng tốc độ nới lỏng chính sách diễn ra nhanh hơn.
Sau quá trình sàng lọc, đội ngũ phân tích ưu tiên lựa chọn những doanh nghiệp đầu ngành, định giá đang ở vùng hợp lý, kỳ vọng KQKD Q4/2024 và cả năm 2024 tăng trưởng tích cực.
Với CTCP Tập đoàn Dabaco Việt Nam (mã DBC) , Agriseco cho rằng diễn biến giá lợn và giá thức ăn chăn nuôi sẽ hỗ trợ tích cực tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Giá lợn đã tăng 20% từ đầu năm lên mức 62.000đ/kg, trong khi giá nguyên liệu như lúa mỳ, ngô, ngũ cốc đang giảm sâu.
Bên cạnh đó, dự án vắc xin Dacovac-ASF2 phòng bệnh dịch tả lợn châu Phi (ASF) do DBC sản xuất kỳ vọng có thể thương mại hóa vào cuối năm 2024 và trở thành mảng đem lại biên lợi nhuận cao. Doanh nghiệp cũng đã chào bán cổ phiếu ra công chúng thu về hơn 1.200 tỷ đồng giúp tăng thêm nguồn lực đầu tư các dự án và có kế hoạch chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược vào năm sau.
CTCP Vận tải và Xếp dỡ Hải An (mã HAH) cũng được đánh giá tích cực nhờ mở rộng đội tài, gia tăng công suất và mảng cho thuê tàu định hạn duy trì triển vọng tích cực nhờ nhu cầu tăng. Với việc mở thêm các tuyến Nội Á nhằm đáp ứng nhu cầu phục hồi, Agriseco dự kiến sản lượng tự khai thác của HAH kỳ vọng tăng 40% trong năm 2024.
Trong ngành dầu khí, Tổng Công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (mã PVS) được dự báo sẽ duy trì tăng trưởng lợi nhuận tích cực các tháng cuối năm nhờ khối lượng công việc dồi dào. Mới đây, liên danh của PTSC vừa được thông báo thắng thầu cung cấp nhiên liệu tàu bay tại Long Thành với giá trị gói thầu 2.900 tỷ đồng. Thêm vào đó, kỳ vọng giá dầu sớm hồi phục sẽ là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu PVS.
Với CTCP Sonadezi Châu Đức (mã SZC) , đội ngũ phân tích dự báo doanh thu cho thuê KCN sẽ tiếp tục tăng. Diện tích cho thuê KCN ghi nhận năm 2024 khoảng 35-40ha nhờ bàn giao đất với các nhà đầu tư này. Đặc biệt, SZC có tiềm năng tăng trưởng trong trung và dài hạn nhờ quỹ đất lớn 2.287ha tại Vũng Tàu, vị trí thuận lợi thu hút làn sóng FDI mới với giá thuê tăng 10 – 15%/năm.
Trong nhóm ngân hàng, Agriseco tin rằng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (mã VCB) có tiềm năng tăng trưởng tốt với NIM kỳ vọng tiếp đà phục hồi trong quý cuối năm, chất lượng tài sản an toàn, đứng đầu hệ thống. Ngoài ra, kế hoạch bổ sung vốn từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ năm 2022, 2023 theo quy định (ước tính 45.900 tỷ đồng) của VCB kỳ vọng sớm được chấp thuận trong thời gian tới, điều này sẽ phản ánh tích cực lên giá cổ phiếu trong ngắn hạn.
Với Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (mã VIB) , Agriseco kỳ vọng tỷ lệ NIM của VIB đã chạm đáy trong Q3/2024, sớm cải thiện trong quý cuối năm và có thể quay trở lại mức 4,3-4,5% trong trung, dài hạn khi nhu cầu tín dụng ở phân khúc bán lẻ hoàn toàn phục hồi. Ngoài ra, kế hoạch thoái vốn của cổ đông chiến lược CBA cũng có thể tạo hiệu ứng tích cực trong ngắn hạn khi nhà băng sắp xếp được đối tác chiến lược mới.