Cổ phiếu “ông lớn” ngành hóa chất công phá đỉnh lịch sử, vốn hóa gần cán mốc 2 tỷ USD
Cơn sốt ngành bán dẫn được cho là động lực chính thúc đẩy cổ phiếu “ông lớn” ngành hóa chất tăng vọt trong thời gian qua.
Cổ phiếu DGC của Hóa chất Đức Giang có cú tăng tốc ngoạn mục trong phiên thị trường chung nổi sóng. Ghi nhận trong phiên sáng 13/3, DGC tăng kịch trần cùng thanh khoản tăng vọt lên 3,2 triệu cổ phiếu, qua đó đóng cửa tại mốc 127.200 đồng. Đây cũng là mức đỉnh cao nhất trong lịch sử niêm yết của doanh nghiệp hóa chất này.
Thực tế, DGC đã rục rịch đi lên trong suốt hơn 1 tháng qua với mức tăng gần 44% giá trị, vốn hóa thị trường tăng thêm 15.000 tỷ lên 48.200 tỷ đồng (~1,9 tỷ USD). Nếu so với thời điểm 1 năm trước, cổ phiếu này đã bứt phá tới 2,5 lần.
Cơn sốt ngành bán dẫn được cho là động lực chính thúc đẩy cổ phiếu “ông lớn” ngành hóa chất tăng vọt trong thời gian qua.
Báo Nikkei trích thống kê thị trường bán dẫn thế giới (WSTS) của các nhà sản xuất bán dẫn lớn cho thấy, thị trường toàn cầu về chất bán dẫn năm 2024 sẽ tăng 13% so với năm ngoái lên 588,3 tỷ USD, vượt qua kỷ lục trước đó của năm 2022. Dự báo của World Semiconductor Trade Statistics và Gartner cũng cho rằng tăng trưởng ngành bán dẫn toàn cầu trong năm 2024 tăng lần lượt 11,8% và 18,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Nhắc đến ngành công nghiệp bán dẫn không thể bỏ qua DGC, chiếm tới gần 1/3 tổng xuất khẩu photpho vàng (nguyên liệu sản suất chip) trên toàn cầu. Ban lãnh đạo Hóa chất Đức Giang cho biết, đến cuối năm 2024, nhu cầu photpho của Việt Nam sẽ tăng đột biến khi các nhà máy sản xuất pin và chip mới ở Đông Á và Bắc Mỹ đa dạng hoá nguồn cung ngoài Trung Quốc.
Chứng khoán Vietcap (VCSC) dự báo nhu cầu photpho vàng toàn cầu sẽ tăng trưởng ở mức một chữ số trong trung hạn, được dẫn dắt bởi nhu cầu pin EV và nhu cầu chip từ trí tuệ nhân tạo. Trong đó, DGC sẽ hưởng lợi và tiếp tục giành thị phần trên thị trường hóa chất photpho công nghiệp (IPC) trong trung hạn khi Trung Quốc không còn xuất khẩu photpho vàng.
Trong lĩnh vực bán dẫn, DGC đã thiết lập sự hiện diện thống trị ở Đông Á (trừ Trung Quốc) trên thị trường photpho vàng và đang nhanh chóng xâm nhập vào thị trường Mỹ. Độ tinh khiết photpho vàng hàng đầu của công ty vượt qua tất cả các đối thủ cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu toàn cầu. Theo Vietcap, DGC dự kiến hưởng lợi từ việc tăng cường sản xuất chip của Hoa Kỳ và các đồng minh, không phụ thuộc vào vị trí của các nhà máy.
Chứng khoán SSI ước tính lợi nhuận của DGC trong năm 2024 sẽ tăng 26% so với cùng kỳ, nhờ doanh thu bán dẫn toàn cầu tăng mạnh hơn và nhu cầu phân bón đi kèm với nhu cầu trồng trọt tăng lên. Theo đơn vị phân tích, quá trình chuyển đổi dần từ phốt pho vàng sang các sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn (axit photphoric) sẽ làm tăng biên lợi nhuận của Hoá chất Đức Giang.
Đồng thời, việc xây dựng nhà máy Chlo-alkali (từ quý 2/2024) sẽ thúc đẩy tăng trưởng lợi nhuận cho doanh nghiệp trong dài hạn (dự kiến từ năm 2026). Tuy nhiên với mức giá DGC trên sàn hiện tại, SSI cho rằng đã phản ánh tiềm năng tăng trưởng trong 1 năm tới.
Tiềm năng lớn nhưng ban lãnh đạo DGC vẫn khá thận trọng trong kế hoạch kinh doanh năm 2024. Theo tài liệu họp ĐHĐCĐ thường niên 2024, DGC đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, tăng 4,6% nhưng lợi nhuận sau thuế dự kiến chỉ ở mức 3.100 tỷ đồng, giảm 4,4% so với thực hiện 2023. Cổ tức năm 2024 dự kiến duy trì mức 30%.