Cổ phiếu ngân hàng nổi sóng phiên 16/5 sau thông tin NHNN sắp sửa thông tư quan trọng về nợ xấu
Cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn.
Nối dài đà hưng phấn từ chiều qua, lực cầu chủ động từ khá sớm trong phiên 16/5 đã giúp bảng điện tử khởi sắc với sắc xanh áp đảo đi cùng thanh khoản ở mức cao. Đóng cửa, chỉ số VN-Index tăng 1,15% lên gần 1.269 điểm, HNX-Index tăng 0,52% lên 240,02 điểm; UPCoM – Index tăng lên 92,7 điểm.
Là động lực chính kéo điểm thị trường hôm nay, cổ phiếu ngân hàng diễn biến đầy tích cực với 24/27 mã niêm yết và giao dịch trên thị trường UPCoM tăng giá, chỉ duy nhất VBB của VietBank đóng cửa trong sắc đỏ, SGB và ABB kết phiên ở giá tham chiếu.
Trong đó, LPB tiếp tục thể hiện phong độ ấn tượng khi tăng trần 6,8% lên mức cao kỷ lục 22.000 đồng/cp (giá đã điều chỉnh) với thanh khoản gấp hơn 3 lần khối lượng giao dịch khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất. Tính từ đầu tuần đến nay, cổ phiếu này đã tăng tổng cộng 9,5% – mức cao nhất trong nhóm ngân hàng.
Hôm nay, OCB cũng bật tăng gần 4,7% lên 14.500 đồng/cp với thanh khoản đạt mức cao nhất trong 1 tháng trở lại đây.
Lực cầu áp đảo cũng giúp cổ phiếu HDB của HDBank bật tăng mạnh mẽ gần 3% lên sát đỉnh lịch sử khi đạt 24.200 đồng/cp. Tại đại hội cổ đông vừa qua, HDBank đã thông qua kế hoạch chi trả cổ tức 30%, trong đó 10% bằng tiền mặt và 20% bằng cổ phiếu. Với mức chi trả trên, HDBank là ngân hàng hiếm hoi duy trì được mức cổ tức cao liên tục nhiều năm liền. Năm 2024, HDBank cũng đề ra kế hoạch tăng trưởng cao đồng thời xây dựng chiến lược và quản trị ESG toàn diện. Trong đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế 15.852 tỷ đồng, tăng 21,8% so với thực hiện năm 2023. Tỷ lệ ROE đạt 24,6% và nợ xấu thấp trong nhóm tốt nhất toàn ngành.
Trong quý I, HDBank cũng ghi nhận kết quả kinh doanh ấn tượng với lợi nhuận hợp nhất trước thuế đạt 4.028 tỷ đồng, gấp rưỡi cùng kỳ năm 2023. Với kết quả trên, HDBank nằm trong nhóm ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 cao nhất hệ thống, đảm bảo đúng tiến độ đề ra và tạo niềm tin cho cổ đông.
Cùng với các mã nêu trên, một loạt cổ phiếu ngân hàng trong nhóm VN-30 cũng có được mức tăng tốt như TCB (+3,7%), CTG (+2,6%), MBB (+2,2%), TPB (+2,2%), SHB (2,2%), STB (+2,2%), BID (2,1%), VIB (+2,2%), ACB (+2%), VPB (+1,8%), VCB (+1,8%), SSB (+1,6%).
Với diễn biến trên, toàn bộ 13 mã cổ phiếu tăng mạnh nhất trong nhóm VN-30 đều thuộc về ngành ngân hàng. Đồng thời, nhóm ngân hàng đóng góp 9 trong 10 mã có ảnh hưởng tích cực nhất tới chỉ số VN-Index trong phiên hôm nay.
Xét về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng cũng thống trị bảng xếp hạng phiên hôm nay khi cả 3 mã dẫn đầu về khối lượng giao dịch khớp lệnh đều thuộc nhóm này là SHB (36,8 triệu cp), MBB (31,4 triệu cp), ACB (30,2 triệu cp).
Cổ phiếu ngân hàng bật tăng mạnh sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hôm 15/5 đã công bố Dự thảo Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn. Theo đó, NHNN dự kiến gia hạn Thông tư 02 thêm 6 tháng nữa, tức là sẽ kéo dài đến hết ngày 31/12/2024 thay vì kết thúc vào ngày 30/6.
NHNN cho biết, Chính phủ đã đồng ý với đề xuất của NHNN tại Tờ trình số 53/TTr-NHNN ngày 03/5/2024 cho phép thời hạn thực hiện giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn theo Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 08/4/2023, Nghị quyết 59/NQ-CP ngày 23/4/2023 của Chính phủ được kéo dài thêm 06 tháng, đến hết ngày 31/12/2024 và giao NHNN khẩn trương phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xem xét, quyết định và hướng dẫn tổ chức tín dụng triển khai thực hiện, bảo đảm tính liên tục của chính sách.
Theo NHNN, mặc dù kinh tế vĩ mô 2 tháng đầu năm 2024 cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục xu hướng phục hồi nhưng vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, dự báo tiếp tục kéo dài trong năm 2024. Chủ trương của Quốc hội và Chính phủ là tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024. Do vậy, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho khách hàng vay vốn, góp phần hỗ trợ phục hồi phát triển nền kinh tế.
Thông tư 02 quy định tổ chức tín dụng (TCTD) phải xác định số tiền dự phòng cụ thể phải trích đối với toàn bộ dư nợ của khách hàng như trong trường hợp không áp dụng quy định giữ nguyên nhóm nợ và phải thực hiện trích lập bổ sung đầy đủ vào 31/12/2024. Do vậy, đến 31/12/2024, TCTD đã có đủ nguồn tài chính để xử lý rủi ro như trong trường hợp TCTD thực hiện phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành (Thông tư 11/2021/TT-NHNN).
Vì vậy, trường hợp kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư đến hết 31/12/2024 sẽ không ảnh hưởng đến cơ chế trích lập dự phòng rủi ro do kéo dài thời gian cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với hệ thống. Ngoài ra, việc kéo dài thời gian cơ cấu nợ theo Thông tư 02 đến 31/12/2024 sẽ góp phần làm giảm mức độ gia tăng nợ xấu nội bảng của TCTD và tạo điều kiện cho TCTD thực hiện hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, góp phần hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.