Chuyên gia SHS: Chứng khoán phái sinh là công cụ để phòng ngừa rủi ro, không phải để đầu cơ hoặc kiếm lời chỉ trong một ngày
Theo chuyên gia SHS, nhà đầu tư nên xác định thị trường chứng khoán phái sinh là một công cụ để phòng ngừa rủi ro, chứ không phải một công cụ để chúng ta đầu cơ hoặc kiếm lời chỉ trong một ngày. Nếu xác định đầu cơ thì khi tham gia thị trường nguy cơ dẫn đến thua lỗ rất cao.
Sau hơn 6 năm ra đời và đi vào hoạt động, thị trường chứng khoán phái sinh đã ngày càng phát huy hiệu quả là công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường chứng khoán cơ sở. Số lượng tài khoản phái sinh ngày càng gia tăng theo thời gian cho thấy sự quan tâm của các nhà đầu tư dành cho thị trường này ngày càng nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu so sánh với số tài khoản giao dịch trên thị trường cơ sở thì vẫn là một con số nhỏ, cũng như thị trường này còn rất nhiều tiềm năng để tăng trưởng.
Vậy làm thế nào để tiếp tục thúc đẩy thị trường chứng khoán phái sinh ngày càng phát triển hơn cũng như giúp cho nhà đầu tư tham gia vào thị trường hiệu quả hơn? Trao đổi trong Talk show Phố Tài Chính trên VTV8, ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) nhận định, để thị trường chứng khoán phái sinh tiếp tục phát triển mạnh và bền vững hơn, thì sẽ cần có thêm nhiều giải pháp như gia tăng ứng dụng công nghệ như việc nhanh chóng đi vào hoạt động hệ thống KRX, có thêm những sản phẩm phái sinh mới, cũng như đẩy mạnh thông tin và kiến thức về thị trường này đến với các nhà đầu tư nhiều hơn.
BTV Mùi Khánh Ly: Thị trường chứng khoán phái sinh đã trải qua hơn 6 năm ra đời và phát triển tại Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về thị trường này?
Ông Ngô Thế Hiển, Giám đốc Phân tích, Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS)
Từ năm 2017 chúng ta đã bắt đầu có các sản phẩm phái sinh. Chúng ta có thể nhận thấy nhà đầu tư từ trước đó chỉ biết đến các cổ phiếu, chứng chỉ quỹ mở hay ETF. Kể từ khi thị trường chứng khoán phái sinh ra đời, nhà đầu tư có thêm một sản phẩm nữa và đặc biệt với các lợi thế có thể mua bán ngay lập tức, đóng vị thế ngay trong phiên, thậm chí rất nhanh, điều này đã giúp cho nhà đầu tư có thể phòng ngừa rủi ro rất hiệu quả. Trước khi có sản phẩm phái sinh, mức độ biến động trên thị trường tương đối lớn, đặc biệt trong những giai đoạn có những thông tin hoặc các sự kiện mang tính chất bất ngờ. Nhưng kể từ khi có thị trường phái sinh đến giờ, rõ ràng nhà đầu tư đã có thêm một công cụ để phòng ngừa, vì thế mức độ sụt giảm của thị trường cũng như biến động đã giảm hơn so với trước rất nhiều. Bên cạnh đó, tôi thấy mức độ đưa sản phẩm phái sinh vào vận hành ở Việt Nam cũng khá sớm. Nếu nhìn vào một số các thị trường khác trong khu vực như Thái Lan, kể từ khi đưa vào thị trường chứng khoán hoạt động cho đến khi họ giới thiệu vận hành sản phẩm chứng khoán phái sinh mất đâu đó khoảng 30 – 40 năm, trong khi ở Việt Nam kể từ khi thị trường chứng khoán chứng khoán vận hành, chúng ta chỉ mất khoảng 17 năm để đưa vào sản phẩm phái sinh. Như vậy có thể thấy thời gian để chúng ta đưa vào vận hành sản phẩm chứng khoán phái sinh ngắn hơn các nước khác khá nhiều.
Không ít ý kiến cho rằng thị trường này chỉ nên dành cho người chuyên nghiệp tham gia do có mức biến động lớn và rủi ro cao, ông nghĩ sao về điều này?
Theo tôi thị trường nào cũng vậy, ở giai đoạn ban đầu khi mới vận hành hoạt động cũng sẽ xuất hiện những yếu tố chưa ổn định sau sẽ hoàn thiện dần lên. Một trong những yếu tố như tôi vừa nói là thời gian để chúng ta đưa vào vận hành sản phẩm phái sinh kể từ khi chúng ta có thị trường cơ sở mới khoảng 17 năm. Nhà đầu tư cũng cần phải có thêm thời gian để làm quen. Đặc biệt một yếu tố nữa, ở thị trường Việt Nam có số lượng nhà đầu tư cá nhân chiếm một phần rất lớn. Điều này chúng ta có thể thấy rất rõ ở giai đoạn đầu khi thị trường chứng khoán phái sinh mới hoạt động, tỷ lệ giao dịch trên thị trường của nhà đầu tư cá nhân chiếm vào khoảng 80 – 90%. Điều đấy dẫn tới thị trường đôi khi bị tác động bởi các yếu tố đám đông hoặc tâm lý cá nhân. Tuy nhiên gần đây chúng tôi nhìn thấy tỷ lệ giao dịch của nhà đầu tư cá nhân đã giảm đi, nhà đầu tư tổ chức hiện tại bây giờ đã tăng dần lên, có thời điểm nhà đầu tư cá nhân chỉ còn khoảng 60%. Những biến động trên thị trường chứng khoán phái sinh cũng đã ít hơn so với trước đây. Và dần dần việc chúng ta sẽ vận hành đưa vào các sản phẩm mới hoặc các cơ chế giao dịch mới trên thị trường chứng khoán cơ sở, nhà đầu tư cũng sẽ hiểu thêm về bản chất của thị trường chứng khoán phái sinh và từ đó yếu tố đầu cơ của nhà đầu tư ở thị trường này sẽ giảm đi, tính chất phòng ngừa rủi ro sẽ được gia tăng nhiều hơn trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến cho rằng thị trường phái sinh làm ảnh hưởng đến mức độ tăng giảm của thị trường cơ sở, theo ông điều này có đúng không?
Tôi cho rằng ý kiến đó chỉ ở một giai đoạn nào đó thôi. Chúng ta đều biết thị trường chứng khoán phái sinh phải bắt nguồn từ thị trường cơ sở. Cũng giống như hợp đồng tương lai của chúng ta, chỉ số cơ sở là chỉ số hợp đồng VN30. Chính vì thế, bản chất là thị trường phái sinh không thể ảnh hưởng ngược lại thị trường cơ sở được mà chúng ta phải nói rằng thị trường cơ sở ảnh hưởng đến thị trường phái sinh, những biến động trên thị trường cơ sở ảnh hưởng đến diễn biến trên thị trường phái sinh. Tôi cho rằng cùng với sự phát triển theo hướng tiến lên của thị trường thì dần dần sự hiểu biết của nhà đầu tư cũng sẽ nhiều hơn đối với sản phẩm phái sinh. Sau này, những biến động cũng sẽ dần dần hẹp lại và phái sinh sẽ trở về đúng bản chất là công cụ phòng ngừa rủi ro cho thị trường cơ sở.
Vậy theo ông đâu là những giải pháp để thị trường chứng khoán phái sinh phát huy được hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới?
Đối với các cơ quan quản lý, theo tôi trong thời gian tới bên cạnh việc phát triển đưa ra các giải pháp về mặt công nghệ, ví dụ đẩy nhanh tiến độ đưa hệ thống KRX vào vận hành trên thị trường chứng khoán cơ sở, thì trên cơ sở sau khi chúng ta đưa KRX vào vận hành, chúng ta có thể phát triển những sản phẩm mới trên thị trường cơ sở, ví dụ như mua bán ngay trong ngày hay bán trước cổ phiếu khi chưa về…điều này sẽ làm giảm yếu tố đầu cơ của thị trường chứng khoán phái sinh. Ngoài ra, thị trường chứng khoán phái sinh, hiện tại chúng ta mới chỉ có một sản phẩm hợp đồng tương lai đối với một chỉ số VN30. Trong khi nếu nhìn ra các thị trường khác trong khu vực họ sẽ có rất nhiều các sản phẩm. Ngoài ra, chúng tôi thấy kinh nghiệm một số nước khác, ngoài các chỉ số chính họ cũng sẽ có các chỉ số mang tính chất từng ngành nghề. Ví dụ, chỉ số về tài chính, ngân hàng, dựa trên các chỉ số đó họ cũng sẽ có các sản phẩm về hợp đồng tương lai và hợp đồng quyền chọn…Tôi cho rằng đó là những yếu tố chúng ta có thể nghiên cứu để dần dần ứng dụng đưa vào triển khai trong thời gian tới đối với thị trường chứng khoán phái sinh của Việt Nam.
Nhà đầu tư cần làm gì để có thể dễ dàng tham gia thị trường này hơn, cũng như đầu tư có hiệu quả hơn, thưa ông?
Theo tôi trước khi tham gia vào thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư phải được chuẩn bị kỹ càng về kiến thức, cả kiến thức về chứng khoán phái sinh và thị trường chứng khoán cơ sở. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên xác định thị trường chứng khoán phái sinh là một công cụ để phòng ngừa rủi ro, chứ không phải một công cụ để chúng ta đầu cơ hoặc kiếm lời chỉ trong một ngày. Nếu chúng ta xác định đầu cơ thì khi tham gia thị trường nguy cơ dẫn đến thua lỗ rất cao. Đối với SHS, trong thời gian tới ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có thể mở tài khoản giao dịch chứng khoán phái sinh, chúng tôi cũng có các chương trình hỗ trợ cho nhà đầu tư như là thực hiện các buổi đào tạo cho khách hàng để tăng cường kỹ năng của nhà đầu tư trong hoạt động đầu tư, hay giảm hoặc miễn phí cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng sẽ tăng cường thêm năng lực tư vấn của đội ngũ môi giới cũng như triển khai thêm các công cụ mang tính chất tự động hóa để giúp cho nhà đầu tư có thể tăng cường hiệu suất trong hoạt động đầu tư của mình.