Chứng khoán miệt mài tăng trong nghi ngờ, chuyên gia chỉ ra lý do khiến nhiều nhà đầu tư liên tục “lỡ sóng”
Với điểm tựa là xu hướng tăng dài hạn, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây sẽ là vùng giá an toàn nhất để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và nắm bắt cơ hội mới.
Thị trường chứng khoán nhanh chóng lấy lại phong độ sau phiên giảm mạnh. VN-Index nối dài mạch 5 phiên tăng điểm để lên 1.233 – sát mức đỉnh cũ thiết lập trong tháng 8. Liệu xu hướng tăng điểm của thị trường đã thực sự được thiết lập? Cơ hội nào cho nhà đầu tư khi VN-Index liên tục đi lên trong nghi ngờ?
Thời điểm giải ngân bắt trọn “sóng” đẹp nhất trong 2 năm tới
Nhìn nhận trên góc độ kỹ thuật, ông Nguyễn Tuấn Anh – Chủ tịch HĐQT FinPeace cho rằng việc thị trường nhanh chóng lấy lại mốc 1.200 điểm và vượt đỉnh W nhỏ sau phiên giảm mạnh 55 điểm đủ để xác nhận đà giảm trước đó chỉ là 1 pha điều chỉnh hơi quá đà.
Về xu hướng thị trường hiện tại, chuyên gia cho rằng VN-Index vẫn đi trong kênh tăng giá tính từ đáy tháng 11 năm ngoái. Hiện tại, thị trường vẫn đang ở giai đoạn đi lên trong nghi ngờ, sóng tăng không quá mạnh mẽ mà sẽ xen kẽ điều chỉnh. Đặc biệt, khi vượt đỉnh lại có biến động mạnh theo diễn biến tăng mạnh và xuống mạnh ngay khi vừa vượt đỉnh.
Nhìn xa hơn, VN-Index cần vượt qua 1.300 điểm để xác định xu hướng tăng dài hạn. Thị trường đã đảm bảo điều kiện đủ để tiếp tục diễn biến tăng khi khối lượng tăng kèm việc giá tăng vượt đường xu hướng kẻ từ đỉnh. Đây cũng là điều kiện cần để tiếp diễn xu hướng tăng theo lý thuyết DOW (giá vượt qua đỉnh đợt hồi phục gần nhất).
Nhìn lại lịch sử, thị trường đã có 4 đợt suy giảm lớn nằm gọn trong sóng tăng dài ở mức sấp xỉ 10%/năm. Trong 2 lần suy giảm đầu (2001, 2009) thị trường giảm ~78%, sau đó là 2 lần suy giảm (2019, 2022) thị trường suy giảm ~44%.
Thông thường, thời gian thị trường đi lên trong dài hạn vẫn vượt trội hơn hẳn so với thời gian thị trường suy giảm mạnh. Tính từ các đáy trước, thị trường luôn giữ xu hướng tăng liên tục từ đáy trong thời gian dài.
Trong các chu kỳ trước, thị trường thường tăng liên tiếp 2- 4 năm, tuy nhiên sóng gần đây nhất do thị trường tăng rất mạnh trong giai đoạn 2020 – đầu 2022 nên tổng thời gian tăng chỉ diễn ra 2 năm đã đủ tạo lập mức đỉnh lịch sử 1.5xx. Với “thói quen” đi lên đều sau khi tạo đáy, khả năng cao thị trường sẽ tiếp tục tạo lập đỉnh cao mới của kênh song song.
Đồng thời, kết hợp với sự hỗ trợ chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ kèm theo kỳ vọng nâng hạng thị trường – câu chuyện đã giúp nhiều thị trường tăng mạnh, thậm chí tăng bằng lần chỉ sau 1-2 năm. Do đó, chuyên gia cho rằng có cơ sở để kỳ vọng VN-Index sẽ tiếp tục xu hướng tăng dài hạn.
Do đó, ông Nguyễn Tuấn Anh cho rằng đây là cơ hội giải ngân cho một chu kỳ mới để bắt trọn sóng tăng đẹp nhất trong 2 năm tới. “Với điểm tựa là xu hướng tăng dài hạn, đây sẽ là vùng giá an toàn và tuyệt vời nhất để nhà đầu tư gia tăng tỷ trọng cổ phiếu và nắm bắt cơ hội mới”, vị chuyên gia nhận định.
Lý do nhà đầu tư liên tục “lỡ sóng”
Tuy nhiên, vị chuyên gia cho rằng đa số nhà đầu tư mới có tâm lý yếu nên thường chờ thị trường tăng mạnh hoặc những người xung quanh chứng minh lãi mới giải ngân quyết liệt. Điều này khiến không ít nhà đầu tư lỡ sóng hoặc vào đúng giai đoạn cuối sóng tăng.
Nguyên nhân do nhà đầu tư thường có chung sai lầm khi nghĩ rằng thị trường giảm mạnh mới gọi là điều chỉnh và mang lại cơ hội đầu tư. Bản chất có ít nhất 2 loại hình điều chỉnh quan trọng. (1) Giảm khá sâu và sắc từ đỉnh, với mức độ giảm 32,8%-50% của đợt tăng liền trước. Khối lượng lớn ở phiên giảm mạnh sau đó dừng giảm đột ngột. (2) Đi ngang trong khu vực đỉnh ( 18%- 32,8%) và đi trong hình tam giác đi ngang. Khối lượng giao dịch suy giảm cùng biên độ suy giảm.
Như vậy, để tránh bỏ lỡ sóng tăng, nhà đầu tư không thể chỉ chờ đợi thị trường giảm tức là mất nhiều điểm số mà có thể thị trường đi ngang, và ngay sau khi vùng đi ngang bị phá vỡ, nhà đầu tư phải quyết liệt “bám” đợt sóng tiếp theo (có thể tham khảo sóng 29/10/2020, sau khi điều chỉnh mạnh 4 phiên, thị trường tăng về đỉnh nhanh chóng và đi ngang trước khi vượt đỉnh tăng mạnh mẽ sau đó).
Để “đãi cát tìm vàng” lựa chọn cổ phiếu tiềm năng trong giai đoạn này, chuyên gia cho rằng nhà đầu tư nên quan tâm cổ phiếu có đủ ba yếu tố.
Thứ nhất, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp có kỳ vọng tăng trưởng tối thiểu 2-3 năm tiếp theo. (tăng trưởng >15%).
Thứ hai, cổ phiếu có biến động tăng giá kèm theo khối lượng lớn đáng chú ý (lần đầu tăng >20% trong ngắn hạn với khối lượng tăng >3 lần so với mức giao dịch bình quân).
Thứ ba, thị trường chung (VN-Index) nằm trong khu vực tích cực (>MA200).