Các tổ chức “săn mồi” với những điều kiện rất hấp dẫn, người dân chưa đủ kiến thức tài chính sẽ đối mặt với rủi ro nếu vay phải “tín dụng đen”.
Theo GS, TS. Trần Ngọc Thơ – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, trên không gian mạng có nhiều tổ chức mời chào các khoản tín dụng. Các tổ chức này “săn mồi” với những điều kiện rất hấp dẫn, người dân chưa đủ kiến thức tài chính sẽ đối mặt với rủi ro nếu vay phải “tín dụng đen”.
Ngày 1/7, tại TPHCM, Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) phối hợp với Báo Sài gòn Giải phóng – Đầu tư Tài chính tổ chức tọa đàm khoa học “Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia – con đường tiếp cận vốn mới của doanh nghiệp nhỏ , siêu nhỏ, hộ kinh doanh cá thể”.
Chiến lược do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, mọi người dân và doanh nghiệp (DN) được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu với chi phí hợp lý, trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, DN nhỏ và siêu nhỏ.
Theo TS. Trần Văn – Viện trưởng IDS, hơn 4 năm từ khi có quyết định của Thủ tướng, có quá ít thông tin về quá trình thực hiện cũng như công tác giám sát. Đơn cử như đánh giá quá trình liên quan đến cách thức thực hiện, cung cấp các dịch vụ tài chính cho các tầng lớp dân cư, DN nhỏ, siêu nhỏ, hộ gia đình; hiệu quả và lợi ích cho xã hội; tác động mong muốn tới người dân, hộ kinh doanh, cộng đồng DN nhỏ và siêu nhỏ… như thế nào. Trong khi đó trên thực tế, nhiều DN fintech (công nghệ tài chính) có mặt khá lâu tại Việt Nam đang tích cực số hóa các kênh phân phối hiện đại này.
“Có vẻ như hành lang pháp lý để khuyến khích đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các tổ chức cung ứng, phân phối sản phẩm, dịch vụ tài chính… chậm được rà soát, sửa đổi bổ sung. Một minh chứng là đến nay các DN fintech vẫn đang hoạt động theo mô hình “giấy phép thử nghiệm” với nhiều hạn chế” – ông Văn nhìn nhận.
Đồng tình, GS.TS Trần Ngọc Thơ – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia – dẫn chứng: Một nông dân ở Đồng bằng sông Cửu Long ( ĐBSCL) cần 15 triệu đồng cải tạo trồng trọt. Tuy nhiên, khoản tiền này rất nhỏ nên không thể tiếp cận vốn ngân hàng . Trong khi đó, trên không gian mạng có nhiều tổ chức “ tín dụng đen ” chào mời vay.
Các tổ chức này “săn mồi” với những điều kiện rất hấp dẫn. Nếu vay, người có nhu cầu không hoạch định được dòng tiền, làm sao để họ hiểu biết và trả nợ đúng hạn? Nói cách khác, người dân chưa đủ kiến thức tài chính sẽ đối mặt với rủi ro nên mong rằng luật lệ của chúng ta bảo vệ người tiêu dùng và đặc biệt là người tiêu dùng ở phân khúc thiếu hiểu biết về tài chính” – ông Thơ nói.
TS. Trương Văn Phước – nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính – cho rằng, không thể yêu cầu bình đẳng công bằng trong thị trường tài chính, đặc biệt ở các thị trường tài chính hoàn hảo có sự cạnh tranh khốc liệt. Các ngân hàng sẽ luôn chạy theo lợi nhuận tối đa.
“Nhà nước sắm vai bảo đảm sự bình đẳng và công bằng. Cụ thể là để những định chế tài chính làm đúng việc của mình. Để phát triển tài chính toàn diện đến người yếu thế. Thêm nữa, cấu trúc thị trường tài chính của Việt Nam chưa được hoàn chỉnh nên những điều lẽ ra người tiêu dùng tài chính được hưởng thì họ lại không được” – ông Phước chia sẻ.
Theo TS. Nguyễn Thị Hòa – Viện trưởng Viện chiến lược ngân hàng, một trong những vấn đề nằm trong chiến lược là làm sao ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất sản phẩm dịch vụ tài chính phù hợp với nhóm đối tượng của mục tiêu tài chính toàn diện. Đồng thời, khuyến khích các ngân hàng hợp tác với các fintech. Và, các fintech tận dụng lợi thế của nhau để phục vụ tốt nhất cho người dân và DN.
TS. Võ Trí Thành – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh – cho rằng, để bảo vệ người yếu thế và phát triển tài chính toàn diện số cần có 3 yêu cầu. Đó là ổn định kinh tế vĩ mô, vì lạm phát sẽ ảnh hưởng đến người thu nhập thấp; cần khuôn khổ pháp lý, ngoài pháp lý cho fintech cần có luật bảo vệ người tiêu dùng tài chính . Cuối cùng là loạt chính sách hỗ trợ bên cung, bên cầu.