Bền bỉ đi lên bất chấp thị trường, loạt cổ phiếu âm thầm mang về khoản lãi “kếch xù” cho nhà đầu tư sau nhiều năm nắm giữ
Thị trường chứng khoán Việt Nam có không ít cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ trong nhiều năm mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nắm giữ lâu dài.
Guồng quay dồn dập của thị trường chứng khoán khiến đa phần nhà đầu tư bị cuốn vào vòng xoáy đầu cơ mua đi, bán lại liên tục. Không có nhiều người đủ kiên nhẫn “ôm” một cổ phiếu tính bằng đơn vị năm, chấp nhận lãi ít trong ngắn hạn để đổi lấy thành quả trong dài hạn.
Đây là điều cũng dễ hiểu khi thị trường chứng khoán có quá nhiều cổ phiếu chu kỳ, mang tính đầu cơ cao. Dù vậy, thực tế vẫn có không ít cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ trong nhiều năm mang lại lợi nhuận lớn cho nhà đầu tư nắm giữ lâu dài.
Cái tên đáng chú ý nhất phải kể đến “cỗ máy” tăng trưởng FPT . Cổ phiếu công nghệ hiếm hoi trên sàn chứng khoán Việt Nam vừa lập đỉnh lịch sử mới bất chấp thị trường đang chịu nhiều áp lực điều chỉnh. Từ đầu năm đến nay, FPT đã tăng gần 40% qua đó đẩy giá trị vốn hóa lên lập kỷ lục hơn 114.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD).
Trong một thập kỷ qua, cổ phiếu này chỉ có duy nhất một năm 2018 là không tăng trưởng. So với thời điểm 10 năm trước, FPT đã tăng gấp hơn 13 lần, tương đương hiệu suất trung bình 29%/năm. Ngay cả khi đu đỉnh vào đầu năm 2007 (lần đầu VN-Index lên đỉnh 1.200), nhà đầu tư nắm giữ FPT đến nay vẫn lãi gấp 4,5 lần, tức là bình quân 10%/năm, cao hơn nhiều so với lãi suất tiền gửi tiết kiệm.
Bền bỉ đi lên bất chấp thị trường, loạt cổ phiếu âm thầm mang về khoản lãi “kếch xù” cho nhà đầu tư sau nhiều năm nắm giữ – Ảnh 1.
Đà tăng bền bỉ của FPT được hỗ trợ tích cực từ chính sách cổ tức đều đặn được duy trì trong nhiều năm. Những năm gần đây, doanh nghiệp này thường xuyên chia cổ tức khoảng 20% bằng tiền và 15-20% bằng cổ phiếu. Ngay trước khi bứt phá lên lập đỉnh mới, FPT cũng đã thực hiện 2 đợt chi trả cổ tức.
Truyền thống chi trả cổ tức cao, đều đặn xuất phát từ nền tảng kinh doanh ổn định với tăng trưởng ổn định được duy trì liên tục trong thời gian dài. Kể từ khi cơ cấu lại mô hình hoạt động của tập đoàn năm 2018, FPT tăng trưởng mạnh liên tục cả về doanh thu và lợi nhuận qua từng năm.
Năm 2023, FPT đặt mục tiêu tham vọng với kế hoạch doanh thu 52.289 tỷ đồng (~2,1 tỷ USD) và lợi nhuận trước thuế 9.055 tỷ đồng, tăng lần lượt 19% và 18% so với kết quả thực hiện năm ngoái. Nếu hoàn thành kế hoạch đề ra, tập đoàn công nghệ này sẽ tiếp tục phá kỷ lục doanh thu và lợi nhuận lập được năm 2022 trước đó.
Bền bỉ đi lên bất chấp thị trường, loạt cổ phiếu âm thầm mang về khoản lãi “kếch xù” cho nhà đầu tư sau nhiều năm nắm giữ – Ảnh 2.
7 tháng đầu năm, FPT ghi nhận doanh thu đạt 28.429 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 5.069 tỷ đồng, lần lượt tăng 22,4% và 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mảng công nghệ vẫn đóng vai trò chủ chốt, chiếm khoảng 47% tổng lợi nhuận trước thuế tập đoàn. Với kết quả đạt được sau 7 tháng, FPT đã hoàn thành 54% chỉ tiêu doanh thu và 56% mục tiêu lợi nhuận cả năm.
Con đường “gập ghềnh” hơn nhưng cổ phiếu SLS của Mía đường Sơn La cũng đang trên vùng đỉnh lịch sử với thị giá 213.200 đồng/cp nằm trong top đầu sàn chứng khoán. So với thời điểm 10 năm trước, cổ phiếu này đã tăng gấp 24 lần, tương đương hiệu suất bình quân 37%/năm – một con số rất ấn tượng.
Bền bỉ đi lên bất chấp thị trường, loạt cổ phiếu âm thầm mang về khoản lãi “kếch xù” cho nhà đầu tư sau nhiều năm nắm giữ – Ảnh 3.
Tương tự như FPT, Mía đường Sơn La cũng rất chăm chỉ chia cổ tức. Kể từ khi lên sàn năm 2012, chưa năm nào doanh nghiệp này “quên” chia cổ tức bằng tiền cho cổ đông. Những năm gần đây, tỷ lệ chi trả thường lên đến trên 50%. Gần đây nhất, SLS đã chi gần trăm tỷ đồng để trả cổ tức năm 2021-22 bằng tiền với tỷ lệ lên đến 100% cho cổ đông.
Nền tảng cho truyền thống này cũng là kết quả kinh doanh tăng trưởng cao hàng năm. Niên độ 2022-23, Mía đường Sơn La lãi ròng hơn 523 tỷ đồng, tăng trưởng đến 179% so với niên độ trước và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động. EPS cả năm cao ngất ngưởng ở mức 53.423 đồng, nằm trong top đầu toàn sàn chứng khoán.
Một trong những lợi thế giúp SLS đạt được kết quả ấn tượng trên đến từ việc được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp do hoạt động trên địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, ngành mía đường cũng đang hưởng lợi nhờ những thông tin tích cực từ giá đường thế giới neo cao do nguồn cung bị co hẹp bởi ảnh hưởng từ El nino và chủ nghĩa bảo hộ lương thực leo thang.
Một cái tên cũng “miệt mài” đi lên trong nhiều năm qua là cổ phiếu DP3 của Dược phẩm TW3 . Sau 8 năm lên sàn, cổ phiếu này đã tăng gấp 16 lần, tức là bình quân đến 41%/năm. Đây là một con số thực sự ấn tượng đối với một cổ phiếu thuộc nhóm ngành mang tính phòng thủ như dược phẩm.
Bền bỉ đi lên bất chấp thị trường, loạt cổ phiếu âm thầm mang về khoản lãi “kếch xù” cho nhà đầu tư sau nhiều năm nắm giữ – Ảnh 4.
Dược phẩm TW3 cũng là doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao và đều đặn hàng năm. Trong khoảng thời gian từ năm 2018 đến 2022, tỷ lệ trả cổ tức thường dao động trong khoảng 50-80% bằng tiền mặt trên mỗi năm. Gần nhất, vào hồi tháng 3, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức 2022 bằng tiền, tỷ lệ lên tới 80%. Con số này gấp đôi so với mức kế hoạch đề ra là 40%.
Doanh nghiệp này là đơn vị chuyên sản xuất, kinh doanh các loại thuốc từ dược liệu, thuốc hoá dược,… Dược phẩm TW3 sở hữu nhiều thương hiệu dược phẩm nổi tiếng như là Sâm nhung bổ thận TW3, Bổ phế TW3 Chỉ Khái Lộ, Siro Vihodan, … và cả thương hiệu Cao sao vàng – món đồ “quốc dân” hầu như gia đình nào cũng có trong những năm thập niên 80, 90 của thế kỷ trước.
Trong giai đoạn 2017-2022, biên lãi gộp của Dược phẩm TW3 thuộc nhóm tốt nhất ngành đông dược vì có tỷ trọng doanh thu hàng tự sản xuất cao. Từ con số vài tỷ đồng hồi năm 2012, lợi nhuận doanh nghiệp này đã tăng lên hơn 100 tỷ đồng vào năm 2018 và vẫn duy trì được lợi nhuận trước thuế 3 chữ số từ đó tới nay. Riêng năm 2022, Dược phẩm TW3 lãi trước thuế 136 tỷ đồng, tăng 17% so với năm trước, EPS duy trì ở mức cao với 12.021 đồng/cp.
Một tên tuổi ít được biết đến hơn là cổ phiếu CAP của Nông lâm sản Yên Bái cũng đang trên vùng đỉnh lịch sử sau giai đoạn tăng nóng vừa qua. Từ đầu năm, cổ phiếu này đã tăng hơn 35%. Trong 10 năm trở lại đây, CAP đã tăng gấp 25 lần, tương đương mức hiệu suất trung bình lên đến 38%/năm.
Bền bỉ đi lên bất chấp thị trường, loạt cổ phiếu âm thầm mang về khoản lãi “kếch xù” cho nhà đầu tư sau nhiều năm nắm giữ – Ảnh 5.
CAP là doanh nghiệp hiếm hoi sản xuất giấy đế và vàng mã trên sàn chứng khoán nhưng lại có nguồn thu lớn và động lực tăng trưởng là các sản phẩm từ sắn. 9 tháng đầu niên độ 2022-23, CAP ghi nhận doanh thu 545 tỷ đồng và lãi ròng 104 tỷ đồng, lần lượt tăng 25% và 58% so với cùng kỳ năm trước. Với kết quả đạt được, công ty đã vượt xa kế hoạch cả niên độ sau 3/4 chặng đường.
Kết quả kinh doanh ổn định giúp CAP có cơ sở để duy trì chính sách cổ tức đều như vắt tranh những năm qua. Doanh nghiệp này thường xuyên chi trả cổ tức vởi tỷ lệ rất cao, cả bằng tiền và cổ phiếu. Trong niên độ 2020-2021, CAP chia cổ tức với tổng tỷ lệ lên đến 100% (50% bằng tiền và 50% bằng cổ phiếu). Niên độ 2022-23, CAP tiếp tục chia cổ tức lên đến 70% bao gồm 42% bằng tiền và 28% bằng cổ phiếu.
Ngoài những cái tên kể trên, chứng khoán Việt Nam còn không ít cổ phiếu tăng trưởng bền bỉ nhiều năm dù hiện đang không ở vùng đỉnh lịch sử. Đa phần là những doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất với lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng cao. Những cổ phiếu này khó tăng nóng như nhóm đầu cơ ở một số thời điểm trong ngắn hạn nhưng nếu đủ kiên nhẫn để nắm giữ nhà đầu tư có thể kỳ vọng đạt được hiệu suất vượt trội.