Bất chấp diễn biến tích cực của cổ phiếu ngân hàng, hiệu suất danh mục PYN Elite Fund vẫn “ngậm ngùi” âm trong tháng 8
Tại thời điểm 31/8/2023, quy mô danh mục (AUM) của quỹ đạt gần 777 triệu Euro (~20.000 tỷ đồng).
Pyn Elite Fund vừa công bố báo cáo hoạt động tháng 8/2023 với hiệu suất đầu tư âm 1,74% sau 3 tháng tăng trưởng dương liên tiếp trước đó. Tính chung 8 tháng đầu năm, hiệu suất của quỹ đầu tư đến từ Phần Lan vẫn dương 12,41%.
Theo Pyn Elite Fund, trong tháng 8, thời điểm nhiều sự kiện lớn diễn ra như Evergrande Group nộp đơn phá sản và cổ phiếu Vinfast lên sàn Nasdag, nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ bất ngờ “chốt lời” khi VN-Index đã chứng kiến nhịp tăng mạnh 20% từ tháng 4/2023.
Thêm vào đó, động thái NHNN trì hoãn thực hiện một số quy định hạn chế cho vay đã giúp các doanh nghiệp bất động sản dễ dàng tiếp cận hơn vay vốn ngân hàng. Chính vì vậy, thanh khoản trung bình tăng vọt lên 1,1 tỷ USD mỗi ngày, mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2022.
Tại thời điểm 31/8/2023, giá trị tài sản ròng/ccq của PYN Elite Fund đạt trên 444 Euro. Quy mô danh mục (AUM) đạt gần 777 triệu Euro (~20.000 tỷ đồng). Top 10 khoản đầu tư lớn nhất danh mục chiếm hơn 86% danh mục của quỹ, trong đó có đến 5 cổ phiếu ngân hàng (STB, CTG, TPB, MBB, HDB) và chứng chỉ quỹ VNFinLead ETF mô phỏng nhóm tài chính – nơi 90% là cổ phiếu ngân hàng.
Đáng chú ý, các cổ phiếu có hiệu suất vượt trội nhất trong tháng 8 vừa qua đều là các cổ phiếu ngân hàng. Trong đó 3 cái tên STB, CTG và TPB có diễn biến ấn tượng nhất khi lần lượt tăng 12,8%, 8,2% và 4,5% trong tháng qua.
Đánh giá riêng về Sacombank (STB), Pyn Elite Fund cho biết lợi nhuận ròng của STB 6 tháng đầu năm tăng trưởng 84% so với cùng kỳ, vượt xa mức tăng trưởng trung bình của ngành là 4%. Sự tăng trưởng được củng cố bởi hoạt động kinh doanh cốt lõi mạnh mẽ đi kèm NIM ổn định cũng như tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp nhờ không chịu tổn thất từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Về tình hình vĩ mô, quỹ ngoại nhận định nền kinh tế đã liên tiếp cho thấy nhiều dấu hiệu phục hồi. Trị giá xuất khẩu hàng tháng tăng đều đặn kể từ tháng 4/2023, đáng chú ý tháng 8 chứng kiến mức tăng 7,7% so với tháng trước trong bối cảnh tồn kho trên toàn thế giới giảm và nhu cầu tăng trở lại.
Mặt khác, sản lượng công nghiệp tăng tháng thứ 4 liên tiếp và doanh số bán lẻ tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước nhờ hoạt động du lịch tiếp đà phục hồi. Cụ thể, khách du lịch quốc tế đến đạt 1,2 triệu lượt, tăng 150% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất tính theo tháng kể từ sau dịch Covid-19. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2023, giải ngân đầu tư công tăng 40,3% so với cùng kỳ năm ngoái lên 12,7 tỷ USD.