1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trên HoSE đưa thanh khoản vượt 40.000 tỷ đồng, cao thứ 2 lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam
Phiên giao dịch đầu tuần 18/3 khép lại với cảm xúc không mấy tích cực cho nhà đầu tư. Thị trường giảm sâu khi hàng trăm cổ phiếu chìm trong sắc đỏ. VN-Index có thời điểm rơi gần 30 điểm và lùi về gần ngưỡng 1.230 trong bối cảnh lực bán áp đảo trên diện rộng, đặc biệt tại nhóm vốn hoá lớn.
Lực cầu bắt đáy trở lại khi các cổ phiếu chạm ngưỡng giá sàn giúp thị trường có sự phục hồi trở lại. giúp chỉ số chính thu hẹp đáng kể đà giảm. Chốt phiên, VN-Index giảm hơn 20 điểm về 1,243,56 tương đương mức giảm 1,6%; HNX-Index giảm 2,86 điểm (1,19%) còn 236,68 điểm trong khi UPCoM-Index giảm 1,03 điểm (1,13%) còn 90,32 điểm.
Đà giảm của VN-Index “thổi bay” hơn 82.000 tỷ đồng vốn hóa của sàn HOSE, giá trị còn lại gần 5,1 triệu tỷ đồng
Mức giảm hơn 1,6% của VN-Index cũng khiến chứng khoán Việt Nam trở thành thị trường giảm điểm mạnh nhất châu Á phiên 18/3, đi ngược xu hướng tại các nhiều TTCK lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đặc biệt, trong ngày vốn hóa thị trường mất đi hàng chục nghìn tỷ, dòng tiền ồ ạt đổ vào thị trường giúp giá trị giao dịch trên tổng ba sàn ghi nhận vượt ngưỡng 47.900 tỷ đồng (2 tỷ USD).
Xét riêng trên sàn HoSE, giá trị giao dịch khớp lệnh cũng vượt ngưỡng 40.000 tỷ đồng, tăng gần 23.000 tỷ đồng so với phiên trước đó. Mức thanh khoản này cao thứ hai trong lịch sử 23 năm của thị trường chứng khoán Việt Nam, chỉ kém con số kỷ lục thiết lập vào phiên 19/11/2021 là 44.800 tỷ đồng.
Khối lượng giao dịch cũng tăng vọt với hơn 1,6 tỷ cổ phiếu được khớp lệnh trong phiên, cũng cao thứ hai lịch sử chỉ sau phiên 18/8/2023 (1,65 tỷ cổ phiếu).
Tính riêng theo từng mã cổ phiếu, cổ phiếu DIG đứng đầu về cả khối lượng lẫn giá trị giao dịch, lần lượt đạt gần 79 triệu cổ phiếu và khoảng 2.360 tỷ đồng. Đây cũng phiên giao dịch bùng nổ của cổ phiếu bất động sản này khi thị giá ngược dòng tăng kịch trần 6,8% lên mức 30.450 đồng/cp bất chấp thị trường chung lao dốc. So với đầu năm 2024, DIG đã tăng 14% về thị giá.
Theo sau, cổ phiếu chứng khoán SSI, cổ phiếu hóa chất DGC và mã “quốc dân” HPG xếp tiếp theo về giá trị giao dịch. Tuy nhiên diễn biến giá các cổ phiếu trên đều giảm sâu, thậm chí DGC giảm sàn xuống mốc 118.200 đồng/cp
Còn nhìn theo khối lượng, các cổ phiếu vốn hóa thấp hơn là VIX, VND vẫn chiếm lĩnh những vị trí đầu bảng, ngoài ra HPG hay SSI cũng ghi nhận khối lượng giao dịch khoảng 50 triệu đơn vị.
Trong phiên thị trường đỏ lửa, nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tạo thêm áp lực khi bán ròng gần 950 tỷ đồng trên HoSE, trong đó giá trị bán ra xấp xỉ 4.200 tỷ đồng, tập trung nhiều nhất tại FUEVFVND, VHM, DGC, VPB…